Hồi sinh sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor: Khó triển khai đại trà

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận ngỡ ngàng khi chứng kiến chuyên gia Nhật Bản tắm trong khu vực quây tôn thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường nước tại khu vực đầu nguồn sông Tô Lịch. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp này chỉ là tạm thời và khó áp dụng đại trà để hồi sinh sông Tô Lịch.

Tháng 5 vừa qua, Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã chính thức triển khai chương trình thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây (Hà Nội) bằng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản. Để thực hiện chương trình thí điểm, JVE đã tiến hành quây tôn một phần diện tích phía bờ phải sông Tô Lịch, khu vực giáp với đường Hoàng Quốc Việt.
 Công nghệ Nano - Bioreactor làm sạch sông Tô Lịch.  Ảnh: Thanh Hải
Sau một thời gian thực hiện, theo cảm quan, nước trong khu vực thí điểm đã trở nên trong hơn, lớp bùn dưới đáy giảm đáng kể. Thậm chí, để kiểm chứng hiệu quả của phương pháp này, vừa qua cố vấn kỹ thuật Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, TS Kubo Jun còn ngụp lặn tại khu vực thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor.
Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia khẳng định, những nỗ lực của JVE và các chuyên gia Nhật Bản trong việc xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Tô Lịch là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, biện pháp này không có tính bền vững và khó có thể triển khai đại trà trên toàn tuyến do sông Tô Lịch luôn có nước thải bổ cập vào.
Theo GS.TS Nguyễn Chiến - nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình thủy lợi, trường Đại học Thủy lợi, công nghệ mà các chuyên gia Nhật đang thực hiện thí điểm trên sông Tô Lịch chỉ là biện pháp tạm thời. "Việc sông Tô Lịch hàng ngày vẫn phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt chảy vào, nếu chỉ xử lý ô nhiễm nước tại chỗ mà không ngăn được nguồn thải thì không có tính bền vững" - GS.TS Nguyễn Chiến nói.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) cho rằng, công nghệ Nano – Bioreactor do JVE thực hiện là phương pháp sục khí oxy dưới dạng nano đã được triển khai ở một số nước. Tuy nhiên, đây là biện pháp xử lý tại những khu vực nước tù và không phát sinh nguồn thải vào thường xuyên, còn đối với những dòng sông có nước thải chảy vào liên tục, hoặc dòng sông động thì hiệu quả chưa thể đánh giá được.
Trước đó, đầu tháng 6 vừa qua, Công ty JVE đã có công văn gửi UBND TP Hồ Chí Minh về đề xuất thay thế các trạm xử lý nước thải dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và rạch Xuyên Tâm bằng thiết bị xử lý nước theo công nghệ đang áp dụng tại sông Tô Lịch (Hà Nội). Sau khi nghiên cứu, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu vì đề xuất này chưa đủ cơ sở. Theo lý giải của Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, thiết bị cung cấp oxy này không phải nguồn cung vô tận, khi ngừng cung cấp điện năng thì thiết bị không hoạt động.
Cũng theo Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh, thiết bị này hoàn toàn không có khả năng phân hủy các chất ô nhiễm trong nước bởi cơ chế để phân hủy, tạo ra các gốc tự do cần có các tác nhân oxy hóa rất mạnh (O3, H2O2...). Thiết bị của JVE chỉ là máy sục khí đơn thuần, để có khả năng phân hủy nước cần thiết kế thêm máy sục ozone tốn rất nhiều năng lượng.
Đặc biệt, đối với khả năng cải tạo lớp bùn lắng, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh cho rằng, lớp bùn được làm sạch trong quá trình sục khí sẽ phụ thuộc vào kết cấu thiết bị, bán kính ảnh hưởng, lớp bùn sau khi làm sạch có khả năng trôi đi và tái trở thành bùn kỵ khí tại khu vực khác. Và để cải tạo lớp bùn này của mỗi con kênh, rạch cần đặt nhiều thiết bị từ đầu đến cuối nguồn nước.

"Để đánh giá về hiệu quả của một công nghệ cần phải đánh giá từ nhiều mặt. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng là kinh tế, giá thành của dự án… nhưng đến thời điểm này chi phí của công nghệ này nếu được thông qua là bao nhiêu vẫn chưa rõ. Đặc biệt, sông Tô Lịch là dòng sông động, thường xuyên có nước thải bổ cập vào nên việc xử lý là điều không hề đơn giản. Do đó, để xử lý dứt điểm tình trạng này, việc đầu tiên là phải ngăn được nước thải chảy vào sông và tạo được dòng chảy cho sông Tô Lịch." - GS.TS Nguyễn Chiến - nguyên Chủ nhiệm khoa Công trình Thủy lợi, trường Đại học Thủy lợi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần