Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 3/5, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án chính quyền đô thị của Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị”.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc hội thảo
Chủ trì hội thảo có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Ban chỉ đạo Đề án; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Thành viên Ban chỉ đạo Đề án; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, tổ trưởng Tổ soạn thảo Đề án. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội chiếm tỷ trọng lớn về dân số, tiềm năng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong khi dân số của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chiếm 16,74% số dân thì GRDP chiếm 33,37% GDP cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, cấp thoát nước, thông tin liên lạc, giao thông công cộng, cây xanh…) đã tạo được một thể thống nhất liên hoàn. Hệ thống hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, tiện ích văn hóa - thể thao, dịch vụ xã hội…) cũng đã tạo ra những thiết chế được sử dụng chung cho cộng đồng dân cư, không phân biệt bởi địa giới hành chính quận, phường. Dân cư tại thành phố sống tập trung, mật độ cao và đều có chung một nhu cầu lợi ích, không phụ thuộc địa bàn cư trú. Mặt khác, tính chất của cư dân Thủ đô cũng có phần khác biệt với cư dân nông thôn. Nhìn chung, đối với khu vực nội thành Thủ đô Hà Nội hiện nay, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã được xây dựng cơ bản đồng bộ và tương đối hoàn chỉnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực trạng tổ chức và hoạt động của chính quyền tại các cấp của thủ đô Hà Nội còn một số hạn chế, bất hợp lý về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy. Phương thức hoạt động, cơ chế điều hành, chính sách phân cấp quản lý trên một số lĩnh vực. Đồng thời, năng lực quản lý điều hành, tổ chức thực hiện của chính quyền đô thị các cấp tại Thủ đô còn nhiều yếu kém, một số lĩnh vực như phát triển nhà ở, xây dựng công trình dịch vụ đô thị, quản lý trật tự đô thị, quản lý dân cư, bảo vệ môi trường… luôn là những vấn đề nóng của thành phố.

“Ở một số cấp đô thị, việc tổ chức cung cấp các dịch vụ công vẫn còn nhiều lúng túng, bị động, chất lượng thấp, chi phí cao, thời gian chậm… đã phản ánh phần nào những hạn chế của chính quyền thành phố trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Những hạn chế trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, có thể nói nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những bất hợp lý về nhiệm vụ, quyền hạn; mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy chính quyền đô thị thành phố Hà Nội”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhận định.
Toàn cảnh hội thảo
Trên cơ sở Kết luận số 22-KL/TW ngày 07/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, Bộ Chính trị đồng ý để thành phố Hà Nội được triển khai “thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận; tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật”.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: Điều này cũng đặt ra những vấn đề cần nghiên cứu lý luận chính quyền đô thị như đặc điểm của đô thị, chính quyền đô thị, quản lý nhà nước ở đô thị; về nội dung, phương thức quản lý đô thị cũng như về mô hình tổ chức, cơ chế vận hành của bộ máy chính quyền đô thị, kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị tại các thành phố lớn trên thế giới nhằm làm cơ sở đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phù hợp với đặc điểm, tính chất tổ chức của thủ đô Hà Nội; thực hiện thí điểm xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại các quận, thị xã theo hướng phát triển nhanh, bền vững.

“Từ tinh thần đổi mới này, hôm nay, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học xin ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý về nội dung 02 chuyên đề sau: Chuyên đề 1: “Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị”; Chuyên đề 2: “Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị”- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Đề dẫn hội thảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng chỉ rõ những yêu cầu, cơ sở cần thiết xây dựng thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, đồng thời khẳng định: Hội thảo sẽ góp phần làm rõ nhưng vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền ở các đô thị, làm cơ sở để đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Đồng thời, cung cấp những bài học kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng và tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị phù hợp với Hà Nội.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ đặc điểm, tính chất của đô thị, khái niệm chính quyền đô thị và quá trình đô thị hóa. Làm rõ tính chất, đặc điểm quản lý nhà nước ở đô thị. Làm rõ những mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị một số nước trên thế giới…

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đề án Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, sau một buổi làm việc với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, hội thảo "Cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị" đã hoàn thành tốt các yêu cầu, nội dung và chương trình đề ra. Thay mặt Thường trực Thành ủy và Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Chính quyền đô thị của TP Hà Nội, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cảm ơn ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã phát biểu, trao đổi, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao, bám sát vào nội dung đề dẫn của hội thảo.

"Các ý kiến đã tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoàn thiện nội dung 2 chuyên đề "Cơ sở lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền đô thị" và "Kinh nghiệm của một số nước về tổ chức chính quyền đô thị". Qua đó bổ sung, làm rõ nét hơn nhiều nội dung quan trọng" - đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Cụ thể, các ý kiến đều đồng tình và thống nhất về sự cần thiết của việc xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị của TP Hà Nội và triển khai 2 chuyên đề, làm cơ sở lý luận để đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị, phù hợp với TP Hà Nội. Đồng thời khẳng định chủ trương nhất quán trong Hiến pháp và các văn kiện Đại hội Đảng, các nghị quyết của Trung ương, nhất là Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020" và sự cần thiết của 2 chuyên đề trong việc đề xuất mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm của TP Hà Nội là một đô thị đặc biệt, là thủ đô, trái tim của cả nước.

Các ý kiến cũng làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức chính quyền ở các khu vực đô thị; phân tích, trao đổi các nội dung liên quan đến đô thị, đặc điểm, tính chất của đô thị, chính quyền đô thị và quá trình đô thị hóa; mối quan hệ giữa chính quyền đô thị và các bộ phận trong hệ thống chính trị ở đô thị; tổng hợp, khái quát và đánh giá các mô hình tổ chức chính quyền đô thị ở một số nước trên thế giới dựa trên các nội dung liên quan đến mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức nhân sự... Các đại biểu cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất về mô hình, cơ cấu tổ chức, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ hợp lý, hiệu quả đối với chính quyền đô thị TP Hà Nội.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, trước khi tổ chức hội thảo này, Ban Tổ chức Thành ủy đã mời các chuyên gia khảo sát tại một số sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Qua khảo sát cho thấy những bất cập trong quản lý của chính quyền đô thị ở cả 3 cấp. Do đó, cần khắc phục những bất cập để chính quyền phục vụ nhân dân tốt hơn, đồng thời hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Nhấn mạnh nội dung Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị đã mở ra phương hướng cho Thủ đô Hà Nội, trong đó có nội dung: "Đồng ý để TP Hà Nội được triển khai thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị trong khu vực các quận, tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật", đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định tầm quan trọng của đề án và cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong quá trình triển khai.

"Với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm, hiệu quả, các ý kiến góp ý, trao đổi, bổ sung, phát biểu trong hội thảo có hàm lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo sâu sắc, làm cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo Đề án tiếp tục tiếp thu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước tại các quận, phường, thị xã của Thủ đô Hà Nội, góp phần vào việc xây dựng và hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội"- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.