Cổ phiếu bán lẻ tỏa sáng
Áp lực bán gia tăng vào cuối phiên khiến thị trường đảo chiều giảm nhẹ. nhóm vốn hóa lớn gia tăng áp lực. 10 mã giao dịch tiêu cực nhất lấy đi hơn 6 điểm của VN-Index. Trong khi đó, nhóm dẫn đầu chỉ mang về 2,5 điểm. Gây áp lực mạnh nhất lên chỉ số chính là BID, VCB, VHM, GAS, HPG, VIC. Ở nhóm VN30, dù chỉ số đại diện chỉ giảm hơn 1 điểm, nhưng 20 cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. HPG giảm mạnh nhất 2,4%. Cổ phiếu ngành thép có phiên điều chỉnh mạnh, đồng loạt. VGS giảm 4,5%, HSG giảm 3,7%, NKG, HPG, TLH giảm trên 2%.
Các ngành vốn hóa lớn như bất động sản, ngân hàng cùng đi lùi. Nhóm bất động sản có sắc đỏ lan rộng, toàn bộ nhóm Vingroup hay các cổ phiếu như HDG, NVL, HTN, DXG, DXS... cùng giảm giá. Ở chiều ngược lại, một mã bất ngờ mạnh hơn thị trường chung, như KBC tăng 5,4%, DIG, TIP, SZC, NLG, KDH... tăng nhẹ.
Các cổ phiếu ngân hàng lớn VCB, CTG, BID đều đi lùi. BID giảm mạnh nhất 2,1%. Cổ phiếu ngân hàng trên HoSE giao dịch không mấy tích cực. Những mã giữ sắc xanh như HDB, TCB có mức tăng không quá lớn. Tuy nhiên, SHB lại gây bất ngờ khi tăng tới 3,45%, thanh khoản đạt hơn 626 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn. Tâm điểm đáng chú ý vẫn là cặp đôi SHB - SHS khi giữ được đà tăng khá tốt về giá cùng giao dịch đột biến. SHS tăng trần, là mã thanh khoản cao nhất thị trường. Còn SHS trao tay hơn 69,7 triệu cổ phiếu, giá trị 712 tỷ đồng, vượt xa SSI đứng thứ 2 (597 tỷ đồng).
Nhóm chứng khoán còn có IVS, VDS tăng trần. Diễn biến tại nhóm này tích hơn nhiều so với thị trường chung, đặc biệt ở các cổ phiếu nhỏ, vừa. Trong khi đó, cổ phiếu lớn như SSI, HCM, VCI lại đi lùi.
Giao dịch đáng chú ý nhất hôm nay là nhóm bán lẻ. Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) vừa đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng hoá từ 10% xuống còn 8%. Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 1/7/2023 đến hết năm 2023. Đề xuất này ngay lập tức tạo tác động tích cực tới diễn biến của nhóm cổ phiếu bán lẻ. DGW, PET tăng trần. MWG tăng 5,1%, FRT tăng 4,1%.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,36 điểm (0,41%) xuống 1.065,35 điểm. HNX-Index tăng 0,4 điểm (0,19%) lên 212 điểm. UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (0,22%) xuống 77,99 điểm. Giá trị khớp lệnh HoSE gần 14.000 tỷ đồng, dòng tiền trong nước trở lại thị trường mạnh mẽ.. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng, giá trị hơn 309 tỷ đồng, tập trung vào HPG, STB, KDH, VPB...
Thấy gì từ việc dòng tiền sôi động trở lại?
Mặc dù có những nhịp rung lắc và điều chỉnh sau chuỗi ngày dài tăng điểm giúp chỉ số VN-Index tiếp cận ngưỡng kháng cự 1.080 điểm, nhưng thị trường vẫn bảo toàn xu hướng tăng điểm trong tuần đầu tiên của tháng 4. Đặc biệt là dòng tiền sôi động đang có dấu hiệu quay lại thị trường khi xuất hiện những phiên khớp gần 1 tỷ cổ phiếu với tổng giá trị vượt xa mức 15.000 tỷ đồng.
Trong đó, dòng tiền có sự chuyển dịch từ nhóm vốn hóa lớn sang nhóm vốn hóa và vừa nhỏ và chỉ tập trung vào một số ngành có câu chuyện như chứng khoán, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp.
Với diễn biến hiện tại, chứng khoán VCBS cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa và nhịp điều chỉnh này là cần thiết để VN Index tiếp tục hướng lên các khu vực cao phía trên. Chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, đặc biệt là tại vùng hỗ trợ 1.055-1.060 điểm.
Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng cơ hội tại các nhịp rung lắc mạnh nhiều khả năng sẽ diễn ra trong những phiên tới để cân nhắc mua vào cổ phiếu thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, bất động sản, khi tín hiệu mua chủ động gia tăng trở lại tại các vùng hỗ trợ.
Còn theo quan sát của chuyên gia từ Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng vẫn đang có chiều hướng hưởng lợi tăng điểm trước thông tin giảm lãi suất điều hành của SBV, tuy nhiên, chúng tôi ưu tiên lựa chọn nhóm bất động sản hơn trong giai đoạn này.
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, xu hướng của thị trường hiện tại là tăng giá nên các nhịp rung lắc hay điều chỉnh đều là cơ hội để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Các nhóm ngành đang tỏ ra vượt trội so với thị trường hiện tại là bất động sản, chứng khoán và nhóm ngân hàng vừa và nhỏ nên được hướng tới trong giai đoạn này.
Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường đã tăng 3 tuần liên tiếp và đà tăng đang chậm lại khi gặp vùng cản mạnh quanh ngưỡng 1.082 điểm. Thanh khoản cao nhất hơn 4 tháng vừa qua cho thấy áp lực chốt lời ngắn hạn chiếm ưu thế. Dòng tiền nội đang chiếm ưu thế để cân lại sức bán ròng của khối ngoại. Nhà đầu tư đang tập trung giao dịch ở nhóm cổ phiếu vốn nhạy cảm với thông tin giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng 1 tháng qua như: bất động sản, chứng khoán…