Các trường hợp còn lại không cấp số định danh cá nhân do trẻ em có quốc tịch nước ngoài hoặc do thuộc trường hợp đăng ký khai sinh mới cho người trên 14 tuổi.Trước đó, theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), đã có 189.026 trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân (ĐDCN). Còn tại 16 địa phương triển khai thí điểm cấp số ĐDCN, đã có hơn 3,3 triệu công dân được định danh bằng mã số.
Để cấp số ĐDCN cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016 (ngày Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân có hiệu lực), Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số ĐDCN cho các cơ quan đăng ký hộ tịch tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.Đến nay, tại các địa phương trên, 189.026 trẻ đã được đăng ký khai sinh và cấp số ĐDCN. Còn theo Trung tướng Trần Văn Vệ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an đã triển khai cấp số ĐDCN cho hơn 3,3 triệu công dân tại 16 tỉnh, thành phố. Trong đó, tính riêng từ ngày 1/1/2016 đến nay, Bộ Công an đã cấp hơn 1,3 triệu số ĐDCN, việc thực hiện thủ tục được đánh giá nhanh chóng và đơn giản.Số ĐDCN được quy định trong Luật Căn cước công dân. Theo đó, số ĐDCN xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân, do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác. Số ĐDCN là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.Thông tin từ Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 896 cũng cho hay Bộ Công an đã phê duyệt dự án khả thi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự kiến đưa vào triển khai trong tháng 9. Đây là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ Công an phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo Điều 26 Luật Đấu thầu.Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình mới đây đã lưu ý, với Cơ sở dữ liệu về dân cư, Bộ Công an trực tiếp quản lý, cập nhật, các bộ, ngành có quyền khai thác. Với những vấn đề thuộc về bí mật đời tư công dân, phải có phần mềm bảo vệ, chỉ người có thẩm quyền mới được truy cập. Nhấn mạnh đây là dự án nền tảng, quyết định sự thành bại của Đề án 896, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ được giao.Đề án 896 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ ngày 8/6/2013, đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc cấp số định danh cá nhân; xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từ năm 2016 cấp số định danh cho công dân và nhập thông tin cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, lợi ích của Cơ sở dữ liệu đang phát huy tác dụng tích cực. Đơn cử trong lĩnh vực quản lý bảo hiểm xã hội, việc cứ đi mỗi đơn vị, bệnh viện lại phải mất thời gian làm giấy tờ cấp một mã số, cơ quan bảo hiểm phải mất 300 tỷ đồng để cấp cho người dân. Trong khi với mã số ĐDCN, chỉ cần cấp một lần, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đơn giản hoá thủ tục cho người dân.