Những địa phương diện tích lấy nước đổ ải đạt cao gồm: Phú Thọ, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình… Trong ngày, dòng chảy sông Hồng tiếp tục được duy trì đủ cho các địa phương vận hành các hệ thống thủy nông lấy nước. Mực nước sông Hồng tại Hà Nội từ 0 giờ đến 17 giờ cùng ngày đạt trung bình 2,32m, lúc cao nhất đạt 2,52m.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Tổng cục thường xuyên đôn đốc các tỉnh, TP tập trung tận dụng nguồn nước xả qua phát điện các hồ thủy điện để đưa nước phục vụ sản xuất một cách hợp lý và tiết kiệm nguồn nước xả, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra công tác lấy nước tại các địa phương. Theo kế hoạch, trong đêm nay (24/1), đoàn công tác sẽ đi kiểm tra công tác lấy nước tại vùng triều ven biển trên địa bàn huyện Giao Thủy và Xuân Trường của tỉnh Nam Định. Theo Tổng cục Thủy lợi, dung tích trung bình các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn toàn quốc trung bình đạt khoảng 77% dung tích thiết kế. Các hồ chứa khu vực Bắc Bộ đạt khoảng 81%, khu vực Bắc Trung Bộ đạt 72%, khu vực Nam Trung Bộ đạt 78%, khu vực Tây Nguyên đạt 82%, khu vực Đông Nam Bộ đạt 70%. Một số hồ chứa vừa và lớn thuộc khu vực Trung bộ vẫn có dung tích trữ thấp (dưới 45% dung tích thiết kế) dù đã kết thúc mùa mưa như: Đá Bàn (Khánh Hòa); Lanh Ra, Sông Sắt, Sông Trâu, Thành Sơn (Ninh Thuận); Đu Đủ, Đá Bạc (Bình Thuận); Đắc Lô (Lâm Đồng). Trong khi đó, do tiếp tục bị ảnh hưởng của hạn hán, trong tuần qua, khu vực Nam Trung Bộ dự kiến phải dừng sản xuất vụ Đông Xuân 25.584ha, 9.313ha phải chuyển đổi cây trồng. Thống kê cho thấy 52.500ha đất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị hạn và thiếu nước, riêng tỉnh Kiên Giang có trên 30.000ha lúa bị chết.