Hơn 90% dân số tham gia, chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống

Trần Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Với hơn 90% dân số tham gia BHYT, có thể khẳng định thành quả việc đưa chính sách BHYT đã đi vào cuộc sống.

BHYT do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... 

Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm, từng bước hiện thực hóa mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân; quỹ BHYT đã góp phần thay thế hiệu quả cơ chế tài chính về y tế. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số.

Phát triển BHYT, đảm bảo sức khỏe người dân
Phát triển BHYT, đảm bảo sức khỏe người dân

Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ. Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người KCB BHYT được đảm bảo quyền lợi.

Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT. Luật BHYT quy định tất cả người dân đều có quyền tham gia BHYT và có phạm vi hưởng BHYT như nhau, gồm các chi phí sau: Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên đối với một số đối tượng và chi phí trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người lao động, học sinh, sinh viên, trẻ em dưới 6 tuổi,…

Danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ BHYT với hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và trên hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu (chỉ có 187 thuốc hóa dược, sinh phẩm và thuốc đông y, thuốc từ dược liệu quy định điều kiện, tỷ lệ chi trả). Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, thuốc điều trị bệnh hiếm, thuốc điều trị bệnh máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng… Đáng chú ý, các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: Tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. 

Thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc KCB cho người thân.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong vài năm trở lại đây, quỹ BHYT đã thực hiện chi trả với số tiền hơn 100.000 tỷ đồng cho khoảng từ 160-185 triệu lượt người đi KCB BHYT. Tính riêng trong năm 2021 đến hết tháng 6/2022, có 4 người bệnh được quỹ BHYT chi trả trên 3 tỷ đồng, cụ thể: Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao nhất hơn 3,9 tỷ đồng có mã thẻ BT2868621XXXXXX, sinh năm 1984, địa chỉ ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền". 

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 trên 3,3 tỷ đồng: mã thẻ TE1343422XXXXXX, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh tích luỹ glycogen; Rối loạn chuyển hóa khác".

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 gần 3,09 tỷ đồng: Mã thẻ BT2202020XXXXXX, sinh năm 2006, địa chỉ xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, chẩn đoán bệnh chính là "Thiếu yếu tố VIII di truyền".

Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 gần 3,05 tỷ đồng: Mã thẻ TE1262621XXXXXX, sinh năm 2018, địa chỉ thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là "Bệnh tích luỹ glycogen; Rối loạn chuyển hóa pyruvat và tân tạo glucose". 

Trong 4 trường hợp nêu trên, có 2 người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, 2 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi, đều được cấp thẻ BHYT. Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 2,2 triệu học sinh, sinh viên KCB BHYT với trên 3,9 triệu lượt KCB, số tiền được quỹ BHYT chi trả gần 1.770 tỷ đồng. Điều này đã góp phần thể hiện rõ vai trò, giá trị và lợi ích to lớn mà chính sách BHYT mang lại đối với công cuộc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Cùng với đó, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng cụ thể: Khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT.

Có thể nói, BHYT là một chính sách xã hội quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng và là một trong những chính sách trụ cột trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội của nước ta. Việc đưa chính sách BHYT đi vào cuộc sống với hơn 90% dân số tham gia BHYT khẳng định thành quả, quyết tâm trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó, có sự những đóng góp quan trọng của Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị.

Box: Phấn đấu số người tham gia BHYT đến năm 2025 đạt 95,51% dân số

Theo kế hoạch triển khai thực hiện công tác khai thác, phát triển người tham gia BHXH, BHYT giai đoạn 2022 – 2025, trong năm 2022, phấn đấu đạt 19,17 triệu người tham gia BHXH, đạt 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; đạt 15,2 triệu người tham gia BH thất nghiệp, đạt 30,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; số tham gia BHYT đạt 91,76 triệu người, đạt 92,7% dân số. Đến năm 2025, phấn đấu đạt 25,33 triệu người tham gia BHXH, đạt 47,2% lực lượng lao động trong độ tuổi; số tham gia BH thất nghiệp đạt 18,68 triệu người, đạt tỷ lệ 35,1% lực lượng lao động trong độ tuổi; số tham gia BHYT đạt 96,92 triệu người, đạt tỷ lệ 95,51% dân số.