Hơn nửa thế kỷ “vác tù và hàng tổng”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 61 năm qua, ông Trần Huy Quang, 82 tuổi, Tổ trưởng Tổ dân phố số 25, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm vẫn miệt mài, âm thầm dùng thơ để hóa giải những xích mích của nhiều cặp vợ chồng, hàng xóm nơi phố cổ.

Cần mẫn với những công việc "không tên", với ông, "vác tù và hàng tổng" cho những người dân ở khu phố là cái duyên và cũng là một vinh hạnh đối với bản thân.
61 năm lo việc hàng tổng

Hà Nội những ngày hè oi ả, khi dòng người qua lại trên phố Hoàng Diệu muốn trốn chạy khỏi những vệt nắng loang nổ, oi bức, ông Quang lại xuất hiện cùng những âm thanh của bài thơ “700 khuỷu khớp” phát ra từ chiếc radio do chính ông thu băng. Nhà ở tận phố Hàng Nón nhưng đã thành thói quen, đều đặn mỗi ngày, cứ vào khung giờ buổi sáng từ 5 giờ 30 phút và buổi chiều từ 16 giờ 30 phút, ông Quang cùng câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh Bắc Sơn hội tụ trước cửa Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (đường Bắc Sơn) cùng say sưa tập thể dục dưỡng sinh.
Ông Trần Huy Quang - 61 năm làm Tổ trưởng Tổ dân phố 25, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Thảo
Trong căn phòng vỏn vẹn 3m2, với những chồng sách, tập thơ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, ông hào hứng kể cho chúng tôi về lợi ích của việc tập thể dục dưỡng sinh và chuyện những ngày đầu làm Tổ trưởng Tổ dân phố. Đôi mắt tinh anh, nói chuyện chậm rãi liền mạch với những vần thơ, ông bảo, trải qua bao nhiêu thăng trầm, khu phố Hàng Nón không còn giữ được những nét cổ xưa. Từ năm 1995 trở về trước, phố Hàng Nón là phố nhôm kính, nhưng bây giờ chỉ còn 2, 3 nhà duy trì nghề, trong đó có nhà ông. Nhiều hộ đã thay đổi kiến trúc để phục vụ hoạt động kinh doanh quần áo.

"Ông Trần Huy Quang là Tổ trưởng Tổ dân phố 25 đã công tác trong nhiều năm, có trách nhiệm, nhiệt tình, gắn bó với chính quyền. Đặc biệt, ông có rất nhiều kinh nghiệm và cách làm hay trong công tác hòa giải ở cơ sở." - Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Gai Phùng Thị Phi Nga

Vốn là Trưởng ban đại biểu thanh niên khu phố ở tuổi 19, chàng thanh niên Huy Quang ngày ấy là người năng động, nhiệt tình nên được cán bộ công an hộ tịch chú ý và được Nhân dân khu phố vận động, bầu làm tổ trưởng. Tuy ngày ấy, nhiệm vụ của Tổ trưởng Tổ dân phố không nhiều việc như bây giờ, chủ yếu tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách với tem phiếu, an ninh trật tự là chính… nhưng cũng lắm khó khăn. Từ đó, ban ngày ông Quang làm việc cơ quan, tối đến thì giải quyết việc của khu phố. Từ những việc như viết khẩu hiệu bầu cử, đến giải quyết những xích mích nhỏ trong khu… Đặc biệt, qua rất nhiều các kỳ bầu cử, ông có sáng kiến tự viết giấy mời gửi đến từng hộ dân để vận động các cử tri đi bỏ phiếu sớm kết quả cử tri thuộc Tổ 25 đi bỏ phiếu nhanh đúng thật 100 % và xong sớm trước 10 giờ 30 phút sáng được cấp trên khen thưởng. Khi ấy, ông Trần Huy Quang chính là người thuộc lớp Tổ trưởng tổ dân phố đầu tiên của Hà Nội và hiện nay vẫn còn tiếp tục đảm nhiệm công việc này. Nếu không đi làm nghĩa vụ quân sự, thời gian công tác tổ trưởng của ông tới 63 năm chứ không phải 61 năm. Và 61 năm lo mọi việc khổ, sướng, buồn, vui… cho con phố này, trong ký ức của nhiều người dân trong khu phố, ông luôn âm thầm, lặng lẽ làm những công việc không tên có ích cho cộng đồng. “Đến bây giờ, niềm vui lớn nhất trong 61 năm là được dân tin yêu, cán bộ cấp trên khu dân cư và phường lúc nào cũng giữ lại nên tinh thần vui lắm, muốn từ chối cũng không được” - ông Quang chia sẻ.

Biệt tài sáng tác thơ, điếu văn

Hơn nửa thế kỷ làm công tác tổ dân phố, kiêm cả Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Chủ nhiệm câu lạc bộ dưỡng sinh Bắc Sơn, công tác trong hội cựu chiến binh, người cao tuổi, thanh tra hòa giải, bình dân học vụ, trưởng ban di tích nghề da giày… có lẽ hơn ai hết ông hiểu được phố cổ muốn gì. Ông được mọi người kính trọng, bởi khả năng và uy tín cao khi thực hiện những công tác hòa giải, thuyết phục tạo sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt, ông là người tâm huyết và có nhiều đề xuất tốt trong việc giữ gìn và bảo tồn cảnh quan, văn hóa cho các tuyến phố cổ trên địa bàn.

Có những khi bà con khu phố cần viết di chúc, đọc điếu văn, ông sẵn lòng giúp nên từ đầu năm 2.000 đến nay, ông sáng tác hơn 200 bài điếu văn. Không phải nhà thơ nhưng trong 61 năm ấy, ông Quang như một nhà thơ thực thụ, với hơn 2.000 bài thơ do chính ông sáng tác về đoàn thể, ca ngợi lãnh tụ, ca ngợi Đảng, cựu chiến binh, đạo lý, sức khỏe, thơ về việc đời, thơ về phố cổ… Đặc biệt, 61 năm qua, ông luôn dùng thơ trong công tác hòa giải, bởi cơ duyên đưa ông đến nhiệm vụ “vác tù và” cũng một phần bởi những năng khiếu này. Không những vậy, ông còn là người duy trì công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, ông Quang đã âm thầm làm những công việc không tên đầy trách nhiệm với cộng đồng như vậy. Hiện nay, dù tuổi đã cao nhưng ông Quang vẫn rất minh mẫn, nhanh nhẹn, với đôi bàn tay khéo léo khắc họa nên những bức chân dung, viết nên những bức thư pháp để răn người về đạo đức, đạo lý và cũng là để lan tỏa nét đẹp đến với thế hệ mai sau.