Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp sức lọc thí sinh “ảo”

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với việc Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh (TS) được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng (NV), sáng 8/5, hơn 40 trường đại học (ĐH) khu vực miền Bắc (MB) đã họp bàn xét tuyển chung theo nhóm để chống "ảo".

Lợi nhiều hơn hại
Chủ trì hội nghị sáng 8/5, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, các trường ĐH khu vực phía Nam (tính từ Quảng Bình trở vào) đã lập nhóm xét tuyển chung gồm 50 – 60 trường. Các trường MB cũng thành lập nhóm xét tuyển chung để xác định và thống nhất điểm chuẩn, sau đó sẽ chuyển danh sách lên Bộ chạy phần mềm lọc "ảo". “Dù không giới hạn NV đăng ký xét tuyển, nhưng đa số TS đăng ký 4 - 5 NV, chỉ có 1 TS duy nhất đăng ký 48 NV. Cho nên các trường đừng quá lo lắng, không có gì khó khăn trong việc xét tuyển. Ngày 20/5, các trường nhận dữ liệu TS đăng ký NV1 từ Bộ về để nghiên cứu” – ông Ga trấn an. Tuy nhiên cũng cảnh báo: Với việc TS được đăng ký nhiều NV, nếu các trường xét tuyển độc lập sẽ rất khó khăn. Chẳng hạn, sẽ không thể biết TS trúng tuyển trường mình lại đỗ vào nơi khác; đồng nghĩa các trường không biết lấy điểm trúng tuyển bao nhiêu cho vừa chỉ tiêu. Vì thế, lập nhóm để xét tuyển sẽ giúp trường lọc "ảo".
 Ảnh minh họa
Thông tin về cách thức xét tuyển của nhóm MB, ông Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì tuyển sinh của nhóm cho hay: Nhóm MB thực hiện theo Quy chế tuyển sinh 2017 hoàn toàn phù hợp với phần mềm xét tuyển của nhóm GX đã sử dụng năm 2016. Khi các trường tham gia nhóm MB sẽ tiết kiệm được chi phí và nhân lực tuyển sinh. Đồng thời, được đội ngũ kỹ thuật của nhóm hỗ trợ; chủ động hơn trong việc xác định điểm chuẩn dự kiến và danh sách TS trúng tuyển trước khi trình Bộ GD&ĐT. Ông Sơn cũng khẳng định, các trường tham gia nhóm MB trên tinh thần tự nguyện, cam kết tham gia bằng văn bản. Nhóm sử dụng dữ liệu đăng ký xét tuyển và kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT cung cấp để xét tuyển đợt 1; sử dụng chung phần mềm xét tuyển do trường chủ trì chịu trách nhiệm quản lý, đồng thời áp dụng thống nhất chế độ ưu tiên trong tuyển sinh.
Còn nhiều băn khoăn
Chia sẻ về nguyên tắc xét tuyển theo nhóm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ và nhóm không can thiệp vào việc xét điểm trúng tuyển của các trường. Trừ "ảo" bao nhiêu là do các trường tự xác định. Nhóm sẽ thống nhất thời gian làm việc chung, cố gắng từ 25 - 28/7 lọc "ảo" và chạy phần mềm xác định điểm trúng tuyển dự kiến. Tuy nắm được những lợi ích khi tham gia nhóm MB, nhưng nhiều trường không khỏi băn khoăn, nhất là các đơn vị chưa tham gia nhóm GX 2016. Theo đại diện ĐH Luật Hà Nội, trong số hơn 21.000 TS đăng ký, trường có khoảng 15.000 NV1. Với dự tính xét 30% chỉ tiêu theo học bạ và 70% theo kết quả thi THPT quốc gia 2017, liệu trường có thể tham gia được nhóm MB? Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thạch – Phó Hiệu trưởng ĐH Hà Nội hỏi, khi xét tuyển theo nhóm, điểm ngoại ngữ hệ số 1 hay 2, điểm chuẩn chung là 30 hay 40? Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú thì băn khoăn khi chỉ có 3 ngày nghiên cứu, bàn bạc và chạy điểm chuẩn, trong khi số trường tham gia đông. Nên chăng chia thành những nhóm nhỏ hơn theo kiểu cùng tổ hợp xét tuyển để thảo luận, quyết định điểm chuẩn dự kiến. Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Trịnh Minh Thụ lại đề nghị chuẩn bị cơ sở hạ tầng để chạy điểm cho nhanh; có quy định chốt điểm chuẩn để các trường thực hiện chặt chẽ. Bên cạnh đó, nhiều trường đề nghị lấy thang điểm trúng tuyển là 30 như truyền thống.
“Nguyên tắc xét tuyển là tạo điều kiện cho các trường tham gia và không làm ảnh hưởng đến quyền tuyển sinh của các trường” – ông Sơn khẳng định. Các trường vừa xét tuyển theo học bạ vừa theo kết quả thi THPT quốc gia thì không gặp trở ngại gì. Với những trường xét môn năng khiếu, phần mềm của nhóm sẽ hỗ trợ; khi chạy phần mềm nhóm, việc tăng thêm 5% hay 10% để trừ "ảo" là do các trường, nhóm MB chỉ thống nhất về quy trình, nguyên tắc, còn điểm chuẩn là do các trường tự quyết định nên không nhất thiết phải lập nhóm nhỏ.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có 50% TS chỉ đăng ký từ 1 – 3 NV, 30% đăng ký 4 – 5 NV. Và có 18% TS đăng ký từ 6 - 10 NV, chỉ có 2% đăng ký từ 11 - 48 NV. Trong 2% này, gần 1,7% TS đăng ký từ 11 - 15 NV và chỉ hơn 0,3% TS đăng ký trên 15 NV.