Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hợp tác chống khủng bố: Bao giờ tìm được tiếng nói chung?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt cuộc tấn công có sự phối hợp nhuần nhuyễn xảy ra trong thời gian qua như...

Kinhtedothi - Một loạt cuộc tấn công có sự phối hợp nhuần nhuyễn xảy ra trong thời gian qua như đánh bom máy bay Nga, thảm sát tại Pháp, bắt cóc con tin ở Mali... đã đặt ra yêu cầu phải thành lập một liên minh chống khủng bố quốc tế nhằm giúp thế giới đối phó với bóng ma đầy ám ảnh của chủ nghĩa khủng bố.

Lần đầu tiên, kể từ sau khi quan hệ xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh do khủng hoảng tại Ukraine, Nga và các nước phương Tây xích lại gần nhau đến vậy. Tổng thống Nga Vladmir Putin tuyên bố các cuộc tấn công ở Paris đã cho thấy sự cần thiết của một liên minh chống khủng bố quốc tế. Đây là lần thứ hai, ông chủ điện Kremli kêu gọi một sự hợp tác toàn cầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Trước đó, vào tháng 9, nhà lãnh đạo Nga cũng nêu ra đề xuất này trong lần xuất hiện hiếm hoi tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp hiếm hoi bàn về cuộc chiến chống khủng bố bên lề Hội nghị G20.
Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin trong cuộc gặp hiếm hoi bàn về cuộc chiến chống khủng bố bên lề Hội nghị G20.
Đề xuất này từng bị “ngó lơ” và có thể sẽ chìm vào quên lãng nếu không xảy ra sự cố tại Paris hôm 13/11 vừa qua, đã được quốc gia phương Tây đầu tiên là Pháp ủng hộ. Trong cuộc điện đàm ngày 17/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa các cơ quan quân sự và tình báo, đồng thời phối hợp các hành động quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria.

Còn về phía Mỹ, “đối địch” của Nga trong nhiều vấn đề quốc tế, việc các tổ chức Hồi giáo, đặc biệt là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) liên tiếp thực hiện thành công các cuộc khủng bố đẫm máu là minh chứng cho thấy sự có mặt của quân đội Mỹ tại chiến trường Trung Đông nhằm tiêu diệt IS không hiệu quả như mong muốn. Sự bành trướng của chủ nghĩa khủng bố đã trở nên không thể kiểm soát nổi. Lần đầu tiên, không quân Nga - Mỹ đã có cuộc trao đổi thông tin về các cuộc không kích tấn công các mục tiêu của IS tại Syria nhằm bảo vệ sự an toàn cho lực lượng không quân của cả hai bên.

Ngoài ra, sau một cuộc họp tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí về một tiến trình toàn diện hơn để giải quyết cuộc chiến tại Syria. Các quan chức Nhà Trắng đã ghi nhận “một sự thay đổi đáng kể” của Nga về các vấn đề liên quan.

Thực tế, điều này đánh dấu một sự thành công của Chính phủ Nga trong quan hệ ngoại giao với thế giới. Từ vị thế của kẻ “đứng ngoài”, Nga đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy vậy, quan hệ Nga - phương Tây vẫn chưa hoàn toàn tan băng. Trong đó, Nga - Mỹ vẫn chưa có sự thống nhất về vị trí của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến tại Syria. Mặc dù thừa nhận các cuộc không kích tại Syria nhắm vào các mục tiêu của IS nhưng người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook vẫn nhấn mạnh, Nga sẽ không nhận được sự hợp tác đáng kể từ Lầu Năm Góc cho đến khi ngừng hỗ trợ ông Assad.

Bên cạnh đó, các nước sẽ phải đối mặt với thách thức cắt đứt nguồn tài chính dồi dào của các tổ chức khủng bố đến từ các hoạt động buôn bán vũ khí, buôn người, thuốc phiện, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, bán dầu mỏ ở các vùng chiếm đóng. Bởi chính khoản tiền này cho phép các tổ chức khủng bố tiếp cận được với các loại vũ khí hiện đại, tuyển mộ nhân sự... để tăng cường các cuộc tấn công.