Hungary có thể ngăn chặn các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga nếu các chính sách của khối gây nguy hiểm cho năng lượng của quốc gia, Bộ trưởng Ngoại giao Peter Szijjarto cảnh báo. Ông khẳng định Budapest sẽ chỉ đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt nếu họ vẫn giữ nguyên các miễn trừ hiện tại đối với năng lượng Nga.
Vào tháng 12/2022, trong nỗ lực trừng phạt Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine, EU đã cấm vận chuyển dầu thô của quốc gia này qua đường biển. Tuy nhiên, Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc, những nước không giáp biển, đã yêu cầu quyền miễn trừ do không có nguồn cung thay thế.
Trong một cuộc phỏng vấn vào thứ Ba, ông Szijjarto cho biết: " “Các lệnh trừng phạt thường được xem xét lại theo chu kỳ sáu tháng, và chừng nào các lệnh trừng phạt còn hiệu lực, các miễn trừ này phải được duy trì, vì nếu không, chúng tôi sẽ phủ quyết chúng”.
Ông nhấn mạnh đối với Hungary, năng lượng Nga đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng. Quan chức cho biết theo kế hoạch REPowerEU, Brussels đặt mục tiêu từ bỏ khí đốt của Nga vào năm 2028. Ông chỉ trích kế hoạch này là một quyết định phi lý và mang động cơ chính trị..
“Lệnh cấm này không phải vì mục đích kinh tế, hay các mục tiêu bền vững mà hoàn toàn liên quan đến yếu tố chính trị. Và tất nhiên họ không thể nào áp đặt điều đó đối với chúng tôi” – ông cho biết.
Liên quan đến nỗ lực của EU trong việc tìm nguồn cung thay thế tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, quan chức này cho rằng điều này là không hợp lý.
“Bạn thay thế một nguồn năng lượng nếu cảm thấy không hài lòng với mối quan hệ hợp tác hoặc nếu tìm thấy lời đề nghị tốt hơn. Vậy tại sao chúng ta lại thay đổi một nguồn năng lượng hiện có dựa trên sự hợp tác tin cậy thành một nguồn khác không chắc chắn và đắt đỏ hơn” – ông Szijjarto lập luận.
Hoạt động nhập khẩu dầu của Hungary từ Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào đầu năm nay sau khi Kiev dừng quá cảnh dầu thô do công ty năng lượng hàng đầu Lukoil của Nga cung cấp qua đường ống Druzhba nhằm trừng phạt công ty này. Budapest chỉ trích động thái này và đã kháng cáo lên Ủy ban châu Âu nhưng đã bị từ chối với lý do động thái của Kiev không ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của khối.
Hiện khoảng 70% lượng dầu thô nhập khẩu của Hungary đến từ Nga, trong đó Lukoil chiếm gần một nửa con số đó. Tuy nhiên, Hungary cũng nhận dầu từ các công ty Nga khác, chẳng hạn như Rosneft và Tatneft, những công ty không bị trừng phạt và tiếp tục cung cấp qua đường ống Druzhba.