Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đến tăng trưởng GDP hai con số trong năm 2025

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội giao mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 trên 7%. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, phấn đấu đưa kinh tế tăng trưởng hai con số ngay trong năm 2025.

Mức này cũng cao hơn so với chỉ tiêu 8% được Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó.

Tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 - 2030

Năm 2024, Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Đạt 15/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%) với tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Niềm tin của DN, nhà đầu tư, người dân được củng cố.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tuấn Phong
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Vàm Cống, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Tuấn Phong

Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, HSBC gọi Việt Nam là "ngôi sao tăng trưởng" Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu - vốn đang suy giảm, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.

“Việc Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới Nvidia ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tháng 12, mang tính bước ngoặt lịch sử, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Thủ tướng Chính phủ thừa nhận mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức. Song việc này sẽ tạo tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 - 2030, để đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Muốn hiện thực hóa mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, trong 20 năm tới, nước ta phải phấn đấu tăng trưởng ở mức hai con số (10% trở lên). Những kết quả đạt được trong năm 2024 là quan trọng, tạo đà, khí thế mới để phấn đấu tăng trưởng bứt phá trong năm 2025, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng cao 2026 - 2030 và hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng Bí thư về kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc.

Làm mới động lực truyền thống

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm tốt hơn nữa việc điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng tốc. Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tiếp tục làm mới, đẩy mạnh hơn nữa các động lực tăng trưởng truyền thống như: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Theo đó, việc giải ngân vốn đầu tư công cần đẩy mạnh ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư.

Các khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, cần được rà soát, sớm tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. Cả nước phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000km đường cao tốc vào cuối năm 2030. Với xuất khẩu, cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh mẽ, đưa sản phẩm Việt Nam có mặt mọi nơi trên thế giới, từ đó đóng góp vào tăng trưởng GDP.

Theo yêu cầu của Thủ tướng, cần xây dựng cơ chế, chính sách hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Tăng cường xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen; kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu... Thủ tướng nhấn mạnh cần tạo đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới gồm: kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm…

Đặc biệt, Thủ tướng đề cao vai trò các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư với tiềm năng, thế mạnh, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất. Thúc đẩy phát triển vùng, nâng cao hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng. Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Viết tiếp câu chuyện thành công về chuyển đổi kinh tế

Dự báo cho năm 2025, Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế dự báo tiếp tục là ngôi sao tăng trưởng trong khu vực, vượt qua mức tăng trưởng của nhiều quốc gia trong khu vực châu Á. Các Hiệp định thương mại tự do và chính sách cải cách liên tục là động lực quan trọng giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu và điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Nguyễn Bá Hùng cho rằng, động lực tăng trưởng nổi bật cho kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, đó là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục duy trì xu hướng tích cực, chi tiêu công tăng, kéo theo tiêu dùng nội địa và đầu tư nội địa tăng theo.

Trong bài báo phân tích dựa trên kết quả Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Cơ quan của Liên Hợp quốc về sở hữu trí tuệ WIPO công bố, CNN đánh giá, Việt Nam - quốc gia đứng thứ 133 trên thế giới về thu nhập bình quân đầu người, nhưng xếp thứ 44 về GII, với thành tích xuất nhập khẩu công nghệ cao và tăng trưởng năng suất lao động.

Hoạt động đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các DN lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển.

Việt Nam cũng thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế tư nhân. Chính phủ đã khẳng định quyết tâm tháo gỡ mọi rào cản thể chế, biến “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thành “đột phá của đột phá” cho phát triển, khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực của nền kinh tế; thể hiện rõ nét ở quá trình phân cấp mạnh mẽ.

Để gia tăng đầu tư, cần có môi trường thuận lợi cho DN vững tâm thể hiện tầm nhìn, khát khao, hoài bão; có khung khổ pháp luật và văn hóa khuyến khích DN dám dấn thân, mạo hiểm, mở rộng kinh doanh, dám nghĩ lớn, làm lớn, đầu tư lớn. Với việc cải cách thể chế, tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính… cũng chính là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong năm 2025 - năm cuối của nhiệm kỳ kế hoạch 2021 - 2025.

 

DN rất cần một môi trường thể chế tốt với các quy định pháp luật rõ ràng, từ đó tạo môi trường kinh doanh an toàn, chi phí tuân thủ thấp, có tính tiên liệu cao, giúp DN thực hiện các ý tưởng kinh doanh của mình một cách thuận lợi, an toàn. Cải cách thể chế cùng với các quyết sách dự án đầu tư mới sẽ là hai yếu tố then chốt mở ra kỳ vọng lạc quan cho kinh tế Việt Nam những năm tiếp theo.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu