Mô hình không chỉ giúp người nông dân nắm bắt được tiến bộ khoa học kỹ thuật mới mà còn góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển CGH sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Nhiều lợi ích
Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chọn xã Hương Ngải để triển khai mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Mô hình có quy mô 40ha, với 380 hộ tham gia (Vụ Xuân 20ha, vụ Mùa 20ha). Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã giao cho Trạm Khuyến nông Thạch Thất phối hợp với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hương Ngải tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các hộ tham gia mô hình.
Bà Phí Thị Yên, ở thôn 2, xã Hương Ngải cho biết: "Công việc nhà nông giờ nhẹ nhàng hơn rất nhiều bởi từ làm đất, gieo mạ, cấy đến thu hoạch đều thực hiện bằng máy. Nhờ đó, mà tôi tiết kiệm được chi phí và có thời gian để làm thêm công việc khác cải thiện thu nhập". Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất lúa đã giảm chi phí sản xuất tối đa cho người nông dân. Cụ thể: Thay thế được lao động thủ công, phân công lại lao động trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng giống lúa, đảm bảo quá trình sinh trưởng và phát triển cho cây lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao năng suất, giảm tổn thất sau thu hoạch...
Ngay khi bắt tay vào triển khai, mô hình đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ và nông dân địa phương. Theo đó, Hương Ngải đã quy hoạch vùng sản xuất phục vụ mô hình ở xứ đồng thuận tiện giao thông nội đồng và thủy lợi tưới tiêu. Để đảm bảo lợi ích cho xã viên tham gia mô hình, cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông TP, HTX Nông nghiệp Hương Ngải đã mua thêm máy, trang thiết bị và xây dựng phương án thực hiện các khâu dịch vụ với giá hợp lý. Trong đó: Làm đất: 100.000 đồng/sào, gieo mạ khay: 50.000 đồng/sào, cấy máy: 100.000 đồng/sào, gặt đập: 150.000 đồng/sào… Nông dân chỉ phải bỏ ra chi phí 400.000 đồng/sào, giảm được hơn 200.000 đồng so với phương pháp sản xuất lúa thủ công.
Phát huy vai trò của hợp tác xã
Thành công của mô hình CGH đồng bộ trong sản xuất lúa còn góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò của các HTX nông nghiệp trong việc tổ chức dịch vụ sản xuất cho xã viên. Đáng chú ý, HTX Nông nghiệp Hương Ngải đã nhanh nhạy kịp thời đáp ứng nhu cầu phơi sấy thóc của nông dân. Đơn cử như, vào vụ thu hoạch lúa mới đây, thời tiết mưa kéo dài đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khâu bảo quản lúa của nông dân. Vì vậy, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy sấy để kịp thời phục vụ bà con. Việc đưa máy sấy vào ứng dụng đã giảm được tỷ lệ tổn hao của lúa sau thu hoạch và tăng tỷ lệ gạo sau xay xát. Ông Nguyễn Đỗ Ban – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Hương Ngải cho hay: "Thời tiết mưa kéo dài cùng với tình trạng thiếu sân phơi đã gây khó khăn cho các hộ gia đình khi bảo quản lúa mà lâu nay chưa có giải pháp khắc phục. Do đó, vào chính vụ thu hoạch, lò sấy luôn hoạt động hết công suất" – ông Ban nói.
Hiệu quả đã thấy rõ, song thực tế xã Hương Ngải đang gặp không ít khó khăn khi triển khai bởi đặc thù đồng đất của địa phương, địa hình không đồng đều, quy hoạch ruộng còn nhỏ nên không phát huy được tối đa công suất của các loại máy. Bên cạnh đó, chi phí mua sắm máy móc cao cộng với thời vụ ngắn, thời gian khấu hao máy kéo dài là nguyên nhân khiến các hợp tác xã e dè khi đầu tư máy móc sẽ lâu thu hồi vốn. Ông Nguyễn Bùi Hải – Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất cho biết, từ thực tế triển khai mô hình điểm tại Hương Ngải, trạm đề xuất TP cần có cơ chế "mở", tạo điều kiện thuận lợi để nông dân, HTX được vay vốn cũng như tiếp cận các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của TP.
Hương Ngải là xã đầu tiên của Thạch Thất áp dụng máy sấy trong khâu bảo quản thóc.
|
Mô hình CGH trong sản xuất lúa đã góp phần đưa các giống lúa mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào cơ cấu giống của huyện. Do đó, huyện mong muốn được TP tiếp tục hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật để huyện nhân rộng mô hình hiệu quả này. Ông Chu Đại Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất |