Khẳng định vị thế
Tọa lạc trên vùng đất phía Tây Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn được thành lập vào năm Quang Thuận thứ 10 (1469), dưới triều Vua Lê Thánh Tông, là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của BCH Đảng bộ huyện và cấp ủy, chính quyền các cấp, sự nổ lực đồng lòng của nhân dân, huyện nhà đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực, nhất là trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tính đến hết năm 2018, tổng giá trị sản xuất đạt 6.548 tỷ đồng (tăng 44,34% so với năm 2015), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp 29,87%; công nghiệp - xây dựng 27,45%; thương mại - dịch vụ 42,67%; tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP) đạt 46,23 triệu đồng/ người (tăng 37,02% so với năm 2015). Đồng thời, thu ngân sách trên địa bàn đạt 92,05 tỷ đồng (tăng 5,45% so với năm 2015). Hộ nghèo còn 6,56%; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 85% (tăng 7,19% so với năm 2015). Cùng với đó, huyện đã có 16/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 31/32 trạm y tế, 69/82 trường đạt chuẩn Quốc gia; trên 90% thôn, khối phố đạt danh hiệu văn hóa.
Khu du lịch sinh thái Hải Thượng. Ảnh: Minh Lý |
Ông Trần Văn Kỳ, TUV, Bí thư Huyện ủy Hương Sơn chia sẽ: “Tự hào với truyền thống quê hương, Đảng bộ và Nhân dân Hương Sơn đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp. Những ngày này, Hương Sơn đang tràn ngập không khí tưng bừng, phấn khởi, môi tuyến đường, góc phố từ nông thôn đến thị trấn rực rỡ cờ hoa, Cán bộ và nhân dân hăng say công tác, lao động, sản xuất. Để thiết thực chào mừng dịp đại lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện, toàn huyện đã xây dựng được 55 công trình với tổng kinh phí trên 200 tỷ đồng, xây dựng 81 nhà tình nghĩa cho hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn kinh phí xã hội hóa”.
Hương Sơn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên rừng, đất rừng phong phú và nhất là những đặc sản cây, con của địa phương hết sức có giá trị như: Cam bù, cam chanh, bưởi, chè xanh, hươu sao, dê núi, gà đồi, ong rừng... Đây cũng là vùng đất văn hóa với nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh. Nơi hội tụ hiền tài học hành khoa bảng với 11 vị đại khoa và 48 vị cử nhân... Thời kỳ đổi mới, có gần 200 vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp.
Tăng trưởng theo hướng bền vững
Để tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương - vùng đất có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi với 3 tuyến quốc lộ đi qua, quốc lộ 8A theo hướng Đông -Tây, đường Hồ Chí Minh theo hướng Bắc - Nam; quốc lộ 8C nối quốc lộ 8A với quốc lộ 46 …Cùng trử lượng tài nguyên tương đối lớn và nguồn lao động dồi dào, với gần 55.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 47% dân số.
Những năm gần đây, Hương Sơn đang tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư, chủ động công bố các quy hoạch, thông tín thu hút đầu tư. Từ đó nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã và đang quan tâm tìm hiểu, triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Tính đến nay, huyện nhà đã có 385 doanh nghiệp đang hoạt động, UBND tỉnh cấp phép 26 dự án, với tổng mức đầu tư 1.931,15 tỷ đồng. Trong đó, có thể kể đến một số dự án nổi bật như: Dự án khu dân cư đô thị Bắc Phố Châu 1 (813 tỷ đồng), Dự án khu đô thị Nam Phố Châu (77 tỷ đồng), Dự án chế biến rượu và thực phẩm chức năng; Dư án đầu tư Nhà máy điện mặt trời Solar Park Hương Sơn (537,9 tỷ đổng), Dự án Nhà máy may công nghiệp tại khu công nghiệp Khe Cò (99 tỷ đồng).
Thị trấn Phố Châu trên bước đường đổi mới. Ảnh: Minh Lý |
Cùng với đó, huyện cũng đã cấp phép cho 14 dự án phát triển mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, lò đốt rác, nhà hàng ăn uống... Hiện, một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.
Song hành cùng với việc tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế thế của vùng đất này, huyện Hương Sơn luôn xác định rõ việc trọng tâm, trọng điểm để thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn. Đến nay nhìn chung kinh tế của địa phương đã có bước tăng trường khá, văn hóa, xă hội có nhiều chuyển biển tích cực, công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo hướng đổi mới; tổ chức, sắp xếp tinh gọn bộ máy ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Trên cơ sở đó, huyện tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Giừ vừng ổn định sản xuất nông nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và công nghiệp; tăng cường thu hút đầu tư. Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.
“Có được những kết quả hôm nay, trước hết là nhờ sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sờ. Sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị cũng đã bám sát chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị với quyết tâm cao. Đồng thời, tranh thủ được sự giúp đỡ của trung ương, tỉnh nhà, huy động các nguồn lực xã hội hóa từ các cá nhân, tổ chức. Ngoài ra, phải kể đến sự giúp đỡ, ủng hộ tích cực của con em quê hương đang công tác và sinh sống trên mọi miền Tổ quốc”, ông Trần Văn Kỳ cho biết.