Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hút doanh nghiệp tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Gỡ rào cản về đất đai

Trọng Tùng (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng dụng công nghệ cao được xem là đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp. Ở đó, vai trò của các DN là hết sức quan trọng. Làm thế nào để thu hút các DN tham gia vào lĩnh vực này là bài toán không dễ đối với các địa phương, bao gồm cả Hà Nội.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại.
Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về những kết quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp mà Hà Nội đã đạt được những năm qua?
- Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống kê đến nay, toàn TP đã có 164 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó, có 109 mô hình trồng trọt, 40 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình nuôi trồng thủy sản. Hà Nội cũng đã có DN nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nấm.
Giá trị từ nông nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn TP. Mặc dù các mô hình ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội còn có quy mô tương đối nhỏ, nhưng phù hợp với thực tế và dần khẳng định vị thế trong điều kiện hiện nay.
Dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của Hà Nội vẫn chưa phát triển tương xứng tiềm năng, lợi thế. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, hệ thống điện...) tại các vùng, khu sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển được xem là nguyên nhân đầu tiên. Thứ nữa, nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật về sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản còn thiếu và yếu. Nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Đặc biệt, việc thu hút các DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao còn rất khó khăn, do nguy cơ rủi ro cao và thời gian thu hồi vốn kéo dài.
 Sản xuất nấm tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Trọng Tùng
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sự tham gia của các DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên thực tế tại Hà Nội, hiện vẫn còn ít DN mạnh dạn đầu tư cho lĩnh vực này, thưa ông? 
- DN luôn được xem là đầu tàu trong phát triển kinh tế và lĩnh vực nông nghiệp không phải là ngoại lệ. Dù vậy, tại Hà Nội có một vấn đề khiến các DN có tiềm lực cũng gặp không ít khó khăn, đó là tích tụ đất đai. Việc tiếp cận tư liệu sản xuất này để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hà Nội thậm chí còn khó khăn hơn do giá đền bù rất cao. Nếu thu hồi để làm dự án thì ước tính khoảng 10 tỷ đồng/ha. DN cũng có thể thông qua hình thức làm việc trực tiếp với người dân để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc vận động các nông hộ hợp tác với DN để thực hiện các dự án lại không dễ.
Vậy, Hà Nội đã có những giải pháp nào cho vấn đề này?
- Trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chủ trương của Hà Nội là hạn chế hỗ trợ trực tiếp bằng tiền. Thay vào đó, sẽ chú trọng tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, trong đó, có tích tụ ruộng đất. Đây cũng là vấn đề này đang được Chính phủ, các bộ ngành quan tâm. Trên cơ sở Nghị định số 01/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Bộ NN&PTNT đã có Thông tư số 19/TT-BNNPTNT về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm. Đây là cơ sở thuận lợi để Hà Nội triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian tới, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ hoàn thiện đề án thí điểm tích tụ đất đai, trình UBND TP xem xét, cho ý kiến. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa nông hộ, các hợp tác xã và DN trong thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, bảo đảm quyền và lợi ích hài hoà cho các bên tham gia.
Xin cảm ơn ông!