Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thể hiện đầy đủ quan điểm, mục tiêu liên quan đến phát triển đường sắt tốc độ cao trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị vào Đề án.
Huy động các chuyên gia (kể cả chuyên gia quốc tế nếu cần thiết) về kỹ thuật, kinh tế; tổ chức các hội nghị chuyên đề để góp ý hoàn thiện Đề án, trong đó lưu ý các vấn đề sau đây:
Luận giải sự phù hợp về định hướng, quan điểm, mục tiêu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; chứng minh để khẳng định một đất nước phát triển, có công nghiệp phát triển, thu nhập cao thì tất yếu phải có đường sắt tốc độ cao; việc đầu tư đường sắt tốc độ cao liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc nên không thể chậm trễ mà cần có quyết tâm chính trị mạnh mẽ thực hiện.
Khẳng định quan điểm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Thực tiễn đã chứng minh hạ tầng giao thông vận tải phát triển đến đâu, không gian phát triển mới về đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Trong khi đường sắt - phương thức vận tải quan trọng, nhiều ưu thế, vận tải khối lượng lớn, nhanh, an toàn so với các phương thức vận tải khác; do đó, phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải đồng bộ, hiện đại, phù hợp xu thế của thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục «xương sống» theo Kết luận của Bộ Chính trị.
Làm rõ hiệu quả đầu tư, tính khả thi và các giải pháp về: nguồn lực; chính sách, pháp luật phát triển đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp đường sắt; đào tạo nguồn nhân lực; cơ chế để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, nhận chuyển giao, từng bước làm chủ công nghệ...
Lựa chọn kịch bản đầu tư cần bảo đảm khai thác với tốc độ cao, hiện đại, đồng bộ trên cơ sở phân tích, đánh giá nhu cầu vận tải, yêu cầu thị trường, mức độ an toàn, khả năng tái cơ cấu vận tải, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, hiện trạng hệ thống đường sắt, so sánh vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác... để đề xuất kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn.
Nghiên cứu phương án sửa đổi Luật Đường sắt trong đó có cơ chế thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao hoặc Nghị quyết riêng của Quốc hội về đường sắt tốc độ cao, bao gồm đầy đủ các nội dung về hình thức đầu tư, phương án huy động vốn, thủ tục chuẩn bị, thực hiện đầu tư, chính sách đất đai, giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển đô thị...
Về mô hình quản lý và tổ chức khai thác, không nên thành lập tổ chức mới mà tận dụng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam để tái cơ cấu, hình thành doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu. Bảo đảm công tác quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, kêu gọi, thu hút doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư phương tiện, khai thác vận tải đường sắt tốc độ cao khi đủ điều kiện vào thời điểm thích hợp.