Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng (khóa XII) ngày 18/1/2018; Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 3/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, huyện Đông Anh đã triến khai nghiêm túc việc nghiên cứu, biên soạn và tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng.

Ngày 1/11, Huyện ủy Đông Anh (Hà Nội) tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018, của Ban Bí thư T.Ư Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử Đảng” và Tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Đề án số 202-ĐA/HU ngày 18/4/2012 của Huyện ủy Đông Anh, về việc xây dựng tập bài giảng “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng huyện Đông Anh”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại hội nghị.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học phát biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 18/01/2018; Kế hoạch số 104-KH/TU, ngày 3/10/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”, các cấp ủy đảng, phòng, ban, ngành, MTTQ và tổ chức chính trị xã hội huyện Đông Anh đã triến khai nghiêm túc, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng đến quần chúng Nhân dân trên địa bàn.

Nhiều ấn phẩm lịch sử của Đảng bộ huyện, xã, thị trấn đã được biên soạn, phát hành, phục vụ tốt cho sự kiện chính trị lớn của địa phương, đơn vị. Từ năm 2018 đến nay, huyện Đông Anh đã ban hành 15 ấn phẩm lịch sử truyền thống, kỷ yếu.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thể hệ trẻ được coi trọng, nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa nhằm khơi đậy lòng tự hào, ý chí và tình cảm với địa phương, đất nước. Góp phần quan trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và tầng lớp Nhân dân trong xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

Về kết quả 10 năm triển khai thực hiện Đề án số 202-ĐA/HU ngày 18/4/2012 của Huyện ủy Đông Anh, cấp ủy các cấp trên địa bàn huyện luôn quan tâm đến công tác giáo dục lịch sử truyền thống địa phương. Ban Giám hiệu các nhà trường chỉ đạo sát sao tổ chuyên môn thực hiện nhiệm vụ năm học, đặc biệt đối với nhóm dạy môn lịch sử. Tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất đầy đủ để phục vụ việc giảng dạy, học tập.

“Thông qua việc giảng dạy, học tập và tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử địa phương giúp học sinh, đoàn viên thanh niên, giáo viên và Nhân dân hiểu biết sâu sắc hơn về mảnh đất, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của huyện Đông Anh. Từ đó nâng cao niềm tự hào, ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc rèn đức, luyện tài góp phần xây dựng quê hương Đông Anh” - ông Nguyễn Văn Cường cho hay.

Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW được khen thưởng.
Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW được khen thưởng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học đánh giá cao công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng và giáo dục truyền thống cách mạng của huyện Đông Anh. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đã được sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của các cấp ủy đảng bằng nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo cụ thể; nhận thức đúng vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử và giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Thời gian tới, huyện Đông Anh cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc lưu trữ tư liệu lịch sử huyện, Đảng bộ huyện và lịch sử địa phương cho thế hệ mai sau. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền lịch sử, truyền thống cách mạng trong tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn.

“Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW và Đề án số 202-ĐA/HU, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng cho các tầng lớp Nhân dân đã được cả hệ thống chính trị huyện coi trọng, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền huyện Đông Anh tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, Nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo đục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống cách mạng, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác chính trị - tư tưởng của cấp ủy và tổ chức đảng” - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, Huyện ủy Đông Anh đã khen thưởng cho 31 tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng và 10 năm thực hiện Đề án số 202-ĐA/HU của Huyện ủy Đông Anh.