Tại buổi tọa đàm, Chánh Văn phòng Huyện ủy Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết, những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở luôn được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo và quyền làm chủ thực sự của người dân. Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/1/2016 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2023, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, TP, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
HĐND huyện và các xã thị trấn quan tâm, chú trọng đổi mới nội dung, chương trình kỳ họp, phương thức hoạt động chất vấn, giám sát.
Trong năm 2024, huyện đã tổ chức 21 hội nghị đối thoại, với khoảng 2.600 người tham gia, 371 nội dung được quan tâm, nêu ý kiến. Huyện tổ chức tiếp công dân thường xuyên và định kỳ, tổng số 288 lượt, tiếp 542 công dân, tiếp nhận xử lý 289 đơn thư. Công tác cải cách các thủ tục hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” được tập trung đẩy mạnh. Tinh thần, thái độ phục vụ người dân, đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày được nâng lên.
Bộ phận Một cửa huyện đã tiếp nhận, giải quyết đúng hạn 6.379 hồ sơ hành chính, đạt 100%. MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội luôn đổi mới nội dung hoạt động, tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong công tác giám sát, phản biện xã hội, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho đoàn viên, hội viên và nhân dân…
Bên cạnh những việc làm được, Huyện ủy Hoài Đức cũng thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại, hạn chế như một số ít cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, chưa phát huy quyền làm chủ và vai trò giám sát của người dân; công tác tuyên truyền, quán triệt triển khai các văn bản của Trung ương, TP và huyện của một số cơ sở còn chưa sâu rộng.... Hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân tại một số đơn vị còn mang tính hình thức…
Tại buổi tọa đàm, đại diện các đơn vị như MTTQ huyện, LĐLĐ huyện, Phòng GD&ĐT, Đảng ủy các xã Yên Sở, An Khánh, Vân Côn… đã trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề như công tác phối hợp giữa MTTQ với các tổ chức chính trị - xã hội huyện trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ trong các cơ quan hành chính, trường học, doanh nghiệp trên địa bàn; chia sẻ kinh nghiệm và những cách làm hay…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Đức Trần Văn Nghĩa cho biết, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị của huyện tiếp tục quán triệt, tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục có phương thức phù hợp để công khai những nội dung dân được biết, được bàn, được kiểm tra theo quy định. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo rà soát sửa đổi, xây dựng các hương ước, quy ước làng, khu dân cư phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực tiễn. MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phối hợp giám sát phản biện xã hội...