Huyện Hoài Đức: Nông thôn mới hôm nay - đô thị tương lai

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoài Đức là huyện nằm ở phía Tây, cách trung tâm Hà Nội khoảng 16km. Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (tầm nhìn đến năm 2050) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hoài Đức nằm trong khu đô thị mở rộng của Hà Nội.

Sôi nổi xây dựng nông thôn mới
Là huyện có truyền thống cách mạng và lịch sử văn hóa lâu đời, Nhân dân Hoài Đức giàu lòng yêu quê hương, đất nước và ý chí kiên cường cách mạng. Trong lao động sản xuất, Nhân dân Hoài Đức năng động, sáng tạo và giành được nhiều thành tích trong phát triển kinh tế. Ghi nhận những đóng góp của Nhân dân và cán bộ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Hoài Đức đã được Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Anh hùng lực lượng vũ trang, Huân chương Lao động hạng Ba.

Lấy xây dựng nông thôn mới (NTM) là chỉ tiêu kế hoạch, đầu tư xây dựng huyện theo hướng đô thị hóa, huyện đã chọn Yên Sở là xã điểm xây dựng NTM. Cùng với xã điểm, huyện triển khai đồng loạt đến 18 xã còn lại với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm”. Trong quá trình xây dựng NTM, Hoài Đức cũng gặp không ít khó khăn như: Giá bất động sản liên tục biến động làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và nguồn thu ngân sách của huyện; Đa số người dân nông thôn vẫn còn khó khăn về vốn đầu tư phát triển sản xuất, nhất là đầu tư xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển mạnh các ngành phi nông nghiệp để tạo việc làm và tăng thêm nguồn thu nhập…
 Tuyến đường trật tự văn minh đô thị tại huyện Hoài Đức. Ảnh: Phạm Hùng
Để giải quyết những khó khăn trên, huyện đã đề ra nhiều kế hoạch, chương trình nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện NTM. Ngày 11/11/2011, UBND huyện đã tổ chức ký kết thi đua giữa các xã với chủ đề “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”. Ngày 1/3/2013, phát động “Toàn dân chung sức xây dựng giao thông thôn, xóm, thủy lợi nội đồng đạt chuẩn NTM”. Tổ chức các cuộc thi “Xây dựng NTM, trách nhiệm của Thanh niên”. “Nhà nông đua tài chung sức xây dựng NTM”… Thông qua đó đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức về chủ trương, trách nhiệm xây dựng NTM cho cán bộ và Nhân dân.

Đến hết năm 2016, 100% số xã đã đạt chuẩn NTM. Toàn huyện đã có 45 trường công lập đạt chuẩn Quốc gia. Các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân được quan tâm. Di tích lịch sử được đầu tư, tôn tạo góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc…

Phát triển kinh tế là trọng tâm

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, năm 2017 kinh tế của Hoài Đức tiếp tục phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch theo hướng: Thương mại - Dịch vụ (47,94%), Công nghiệp - Xây dựng (45,28%), Nông nghiệp (6,78%). Tổng giá trị sản xuất thực hiện là 17.290 tỷ đồng, đạt 100,08% kế hoạch và tăng 10,38% so với năm 2016. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã triển khai được hàng nghìn hecta trồng rau an toàn, hoa, cây ăn quả tại các xã vùng bãi. Toàn huyện hiện có 52/54 làng có nghề, 12 làng nghề được cấp bằng công nhận, 1.299 DN và trên 10.155 hộ sản xuất kinh doanh, hàng năm thu hút, giải quyết việc làm cho trên 44.000 lao động trong huyện và các huyện, tỉnh lân cận. Các xã triển khai thực hiện có hiệu quả “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn”. Trong đó chú trọng ưu tiên các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hộ nghèo. Ưu tiên người có nhu cầu học nghề là người nghèo, người bị thu hồi đất canh tác. Do vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2017 ước đạt 45,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,8 triệu đồng so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,52% (902 hộ), giảm 255 hộ so với năm 2016.

Với việc đầu tư các trang thiết bị hiện đại, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, Bệnh viện huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến. Đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. Trung tâm y tế huyện đã thực hiện tốt chức năng tham mưu và tổ chức phòng chống dịch bệnh. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được triển khai có hiệu quả. Tỷ lệ người tham gia các hình thức BHYT toàn huyện đạt trên 85%, toàn huyện có 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Việc xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, mừng thọ, lễ hội... được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Toàn huyện đã có 107/128 làng đạt danh hiệu văn hóa, trên 85% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa...

Đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm môi trường

Từ khi Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà (xã Dương Liễu) công suất 20.000m3/ngày, đêm đi vào hoạt động, Hoài Đức đã cơ bản giải quyết nước thải của 3 xã làng nghề chế biến nông sản thực phẩm: Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai. TP cũng đang triển khai xây dựng thêm Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, công suất 8.000m3/ngày, đêm, kinh phí đầu tư 206 tỷ đồng. Để hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải trên các tuyến kênh tiêu của huyện, TP chuẩn bị khởi công Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh, công suất 5.000m3/ngày đêm, kinh phí đầu tư 139 tỷ đồng. Đến năm 2018, khi các công trình nói trên đi vào vận hành chính thức, tình trạng ô nhiễm nước thải trên địa bàn huyện sẽ được xử lý.

Huyện đã quy hoạch 50 điểm tập kết, trung chuyển rác thải trên địa bàn các xã, thị trấn. Chỉ đạo đơn vị duy trì vận chuyển khoảng 145 tấn rác thải/ngày đến nơi tập kết chung của TP. Đến nay không có hiện tượng rác thải tồn đọng qua ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn. Cuối năm 2017 toàn huyện sẽ có 14/20 xã, thị trấn được cấp nước sạch. Nâng tỷ lệ người dân được cấp nước sạch lên khoảng 70%. Huyện đã cùng 2 nhà đầu tư thực hiện dự án và theo kế hoạch, đến tháng 6/2018, 100% số xã trên địa bàn sẽ được sử dụng nước sạch…

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quang Đức phấn khởi nói: Việc được công nhận đạt chuẩn NTM là điểm son trong quá trình phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân của huyện. Đây là niềm tự hào to lớn của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Hoài Đức. Nó cũng là tiền đề để huyện triển khai các bước tiếp theo thực hiện “Đề án đầu tư xây dựng Hoài Đức trở thành quận vào năm 2020”. Để đề án trở thành hiện thực, những việc cần làm trong thời gian tới là: Huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhằm giữ vững danh hiệu huyện, xã đạt chuẩn NTM. Gắn định hướng xây dựng NTM với tiến trình đô thị hóa trên địa bàn.

Vận dụng linh hoạt chính sách hỗ trợ của T.Ư và TP để lập quy hoạch và hỗ trợ phát triển các dự án đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch tổng thể chỉnh trang, trồng hoa, cây xanh trên toàn hệ thống giao thông nông thôn. Mỗi năm lựa chọn ít nhất một ao, hồ trong khu dân cư để kêu gọi xã hội hóa cải tạo môi trường, nạo vét, kè bờ, làm lan can, đường dạo và trồng hoa, cây xanh chống lấn chiếm, tạo khu vui chơi cho cộng đồng; Thực hiện tốt nếp sống văn minh, duy trì và phát triển các thiết chế văn hóa truyền thống; Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...
Sau giai đoạn đầu (2010 - 2015) thực hiện công tác xây dựng NTM, hết năm 2016 huyện Hoài Đức đã có 19/19 xã đạt chuẩn NTM (bằng 100%). Huyện tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng đô thị. Đến nay, Huyện Hoài Đức vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2017.
Những năm qua, Hoài Đức đã dành trên 1.200 tỷ đồng đầu tư xây dựng được 364 phòng học, 120 phòng chức năng, 150 phòng hiệu bộ, 18 nhà thể chất và chỉnh trang lại hầu hết các trường. Đến nay, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và học tập.