Sản phẩm chưa đa dạng
3 năm trước, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong (xã Tiến Thịnh) gom đất, bắt tay vào trồng cây ăn quả. Trên tổng diện tích hơn 10ha, hợp tác xã canh tác đa dạng các loại ổi, táo, bưởi, đu đủ… Trong số này, ổi Đài Loan là giống cây chủ lực.
Nhờ quy trình sản xuất tốt, trái cây của Hợp tác xã Khánh Phong được thị trường đón nhận tích cực, đặc biệt đã tạo được chuỗi liên kết để đưa vào tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ tại Hà Nội. Sản phẩm của hợp tác xã cũng đã có tem nhãn, được cấp mã truy xuất nguồn gốc.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Khánh Phong Nguyễn Thế Lâm cho biết, điều đáng khích lệ là hai sản phẩm gồm ổi Đài Loan và đu đủ của đơn vị đã được UBND TP Hà Nội công nhận đạt 4 sao trong Chương trình OCOP. Điều này giúp việc tiêu thụ trái cây của hợp tác xã không chỉ thuận lợi hơn mà giá trị, nhất là của ổi Đài Loan và đu đủ cũng được nâng cao đáng kể.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phạm Thành Đô cho biết, kết thúc Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, toàn huyện đã có 35 sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận, cấp sao. Trong đó, có 9 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, còn lại là các sản phẩm được chứng nhận 3 sao.
Kết quả đạt được là đáng khích lệ, tuy nhiên đánh giá khách quan cho thấy, sản phẩm OCOP của huyện Mê Linh chưa thực sự đa dạng mà mới tập trung vào nhóm rau củ quả. Ngoài các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, hầu hết nông sản khác hiện không có bao bì, nhãn mác, chưa được truy xuất nguồn gốc… Đây là những khó khăn đối với việc thực hiện mục tiêu Chương trình OCOP giai đoạn tới của huyện.
Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tạo ra những nông sản chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường, vừa qua, huyện Mê Linh đã ban hành Đề án phát triển Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, cụ thể hóa nguyên tắc và các bước tổ chức triển khai thực hiện.
Thông tin từ Phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, đơn vị đã phối hợp các xã, thị trấn hoàn thành việc rà soát, đánh giá đối với 122 sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành hàng sản phẩm OCOP. Trong số này, nhóm ngành hàng thực phẩm có đến 98 sản phẩm, chiếm 75,5% tổng số sản phẩm tiềm năng OCOP của huyện.
Các phòng ban của huyện cũng đã tiến hành đánh giá 122 sản phẩm theo nhóm tiêu chí: Sản phẩm và sức mạnh của cộng đồng; Chất lượng và khả năng tiếp thị. Đây là cơ sở quan trọng để các chủ thể có kế hoạch đầu tư, phát triển, hoàn thiện sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2022, địa phương đặt mục tiêu phát triển từ 30 - 45 sản phẩm OCOP. Định hướng phát triển của huyện không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, mà còn gia tăng về giá trị, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của Việt Nam, cũng như từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Mê Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, từ đó huy động sự vào cuộc của các chủ thể và đông đảo tầng lớp Nhân dân. Cùng với phát triển sản phẩm OCOP, huyện cũng sẽ chú trọng các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa nông sản, hàng hóa của các chủ thể vào hệ thống phân phối. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng để có thể thu hút được sự vào cuộc chủ động, tích cực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh.