Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa

Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện Phúc Thọ thời gian qua đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Hình thành các vùng chuyên canh
Phúc Thọ là huyện thuần nông được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô với tổng diện tích đất nông nghiệp 6.851ha. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, hình thành những mô hình, vùng sản xuất riêng biệt theo điều kiện từng địa phương.
Người dân xã Tích Giang, Phúc Thọ chăm sóc hoa, cây cảnh. Ảnh: Nga Nguyễn
Để thực hiện có hiệu quả khi triển khai các mô hình, cùng với việc tổ chức cho cán bộ chuyên môn và lãnh đạo các xã, thị trấn đi học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi, huyện còn chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa sang trồng cây cho giá trị kinh tế cao hơn. Trong quá trình triển khai đã chú trọng thực hiện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Doãn Trung Tuấn cho biết: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo yêu cầu tạo được vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn. Đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cơ sở đầu tư về giống cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, sản xuất sạch. Căn cứ vào điều kiện từng vùng để quy hoạch sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Đến nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hình thành được vùng chuyên canh lúa; vùng chuyên canh hoa, cây cảnh như Tích Giang, Tam Thuấn…; vùng chuyên canh rau an toàn và rau hữu cơ tại các xã như Vân Hà, Vân Phúc, Thanh Đa, Hát Môn… cho hiệu quả kinh tế cao.

Nâng cao giá trị canh tác

Nếu như trước đây, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ đạt từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm, thì sau chuyển đổi giá trị các mô hình đã tăng lên từ 2 – 20 lần. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt liên tục tăng qua các năm, sau chuyển đổi, giá trị sản xuất trung bình đạt từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm.

Đối với vùng trồng rau, sản xuất đang đi theo hướng sản xuất an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP… đạt giá trị từ 600 – 800 triệu đồng/ha/năm. Vùng chuyên canh cây ăn quả của huyện với diện tích 769,8ha, hiện có nhiều loại quả được thị trường ưa chuộng như bưởi, cam, chuối, táo… giá trị kinh tế đạt trên 500 triệu/ha/năm. Một trong những mô hình chuyển đổi hiệu quả nhất ở Phúc Thọ phải kể đến là trồng hoa, cây cảnh. Trong đó có những mô hình trồng hoa ly đạt giá trị trên 2 tỷ đồng/ha/năm, trồng hoa loa kèn đạt 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài giá trị về kinh tế, cây cảnh còn có giá trị về nghệ thuật và tạo cảnh quan môi trường sinh thái.

Ông Đỗ Huy Nghĩa, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ là một hộ điển hình trong việc chuyển đổi từ diện tích trồng lúa sang trồng hoa với diện tích đang canh tác 20.000m2, trong đó chủ yếu là hoa ly, loa kèn và hoa cúc. Ông Nghĩa cho biết, năm 2017 gia đình ông thu lãi 1 tỷ đồng, riêng đối với diện tích trồng hoa ly cho hiệu quả cao gấp 60 lần cấy lúa.