Dự án sau đó được Sở KH&ĐT Hà Nội phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu tại Quyết định số 136/QĐ-KH&ĐT ngày 12/7/2012.Từ cuối năm 2012, huyện Sóc Sơn đã giao Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng huyện tổ chức thi công đo đạc, cắm mốc giới ngoài thực địa tại 11 xã, thị trấn với diện tích khoảng 4.514ha.
Cụm công trình nhà ở được xây dựng trên diện tích chưa được cắm mốc giới rừng tại thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. |
Đến nay, Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn đã phối hợp với các địa phương, đơn vị có liên quan đúc, xác định điểm mốc sơ bộ toàn bộ 4.300/4.300 mốc. Đồng thời, thi công cắm mốc ngoài thực địa được 3.925/4.300 mốc. Hiện, vẫn còn 375 mốc giới rừng chưa được cắm. Theo lý giải của Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn, trong số trên có 111 mốc trùng lấn với đất quốc phòng (30 mốc thuộc Sư đoàn 371 và 81 mốc thuộc Sư đoàn 312). Hai đơn vị quốc phòng trên không đồng ý cho cắm mốc vì vị trí cắm nằm trên những diện tích mà các đơn vị được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao quản lý, sử dụng từ nhiều năm trước. Đối với 103 mốc tại xã Minh Phú, quá trình triển khai cắm mốc, Nhân dân thôn Phù Ninh và thôn Lâm Trường không đồng thuận hoặc không có mặt tại địa phương. Trong khi đó, 161 mốc tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí) cũng chưa thể cắm mốc, do các hộ dân cho rằng, quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng mà UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008 trùng lấn với diện tích bà con lên khai hoang từ những năm 1985. Do đó, bà con đề nghị cần có rà soát, điều chỉnh lại.Bên cạnh đó, Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn cũng chưa bàn giao được 106 mốc tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí) do chủ sử dụng đất không hợp tác.Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, UBND huyện đã có ý kiến đề nghị TP chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng năm 2008. Trên cơ sở đó, sớm xem xét điều chỉnh quy hoạch phù hợp. Đây sẽ là giải pháp căn cơ cho bài toán cắm mốc giới rừng kéo dài nhiều năm qua tại huyện Sóc Sơn.