Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng kinh tế huyện cho biết, trong xây dựng NTM, điều quan trọng nhất là nâng cao đời sống người dân, do đó những năm qua, ngoài việc dồn lực cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển kinh tế, huyện còn tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị, năng suất, chất lượng vào sản xuất.
Đến nay, 90% diện tích đất canh tác trên địa bàn huyện được cấy bằng giống năng suất, chất lượng cao; cơ giới hóa cũng từng bước được đưa vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động. Với mục tiêu hoàn thành xây dựng NTM tại 5 xã Hương Ngải, Bình Yên, Hạ Bằng, Phùng Xá, Dị Nậu trong năm 2013, huyện Thạch Thất xác định khâu đầu tiên và quan trọng nhất chính là dồn điền đổi thửa (DĐĐT).
Mô hình trồng khoai tây cho thu nhập cao tại xã Hương Ngải, Thạch Thất. Ảnh: Thắng Văn
Trong số 1.686,7ha đất nông nghiệp phải DĐĐT theo kế hoạch của TP, hiện Thạch Thất mới dồn đổi được gần 400ha. "Mặc dù diện tích dồn đổi chưa nhiều, nhưng mục tiêu của huyện là làm đến đâu chắc đến đấy" - ông Lượng nói. Do vậy, huyện đã tổ chức cho đội ngũ cán bộ các xã đi tham quan học tập kinh nghiệm DĐĐT tại các huyện Sóc Sơn và Phú Xuyên để về áp dụng tại địa phương.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Phùng Xá, hiện việc DĐĐT trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn bởi đất ít, người đông. Nơi đây lại có nghề cơ kim khí phát triển mạnh nên người dân không mặn mà với đồng ruộng. Bắt tay vào DĐĐT, địa phương xác định tập trung vào khu vực này để dồn đổi ruộng trước.
Để kéo người dân vào cuộc, xã đã mạnh dạn ứng tiền cày bừa để cải tạo đất, sau đó bàn giao lại tới các thôn chia ruộng cho các hộ trên cơ sở canh tác thuận lợi, dễ dàng. Không những thế, xã còn tập trung tuyên truyền, vận động các DN trên địa bàn ứng khoảng 3 - 4 tỷ đồng làm đường giao thông nội đồng để thuận lợi cho canh tác.
Nhờ vậy, từ chỗ tưởng như không DĐĐT được, đến nay xã đã có 40/70,14ha dồn đổi xong. Hiện xã Phùng Xá đã có 16/19 tiêu chí đạt, 2 tiêu chí cơ bản đạt và 1 tiêu chí chưa đạt, dự kiến cuối năm 2013 sẽ hoàn thành xây dựng NTMPhó Chủ tịch UBND huyện Chu Đại Thành cho biết, sau khi DĐĐT, huyện sẽ thực hiện đầu tư nâng cấp, tu sửa các công trình thủy lợi, đê điều để thuận lợi cho việc canh tác.
Đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Huyện sẽ tập trung nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông nghiệp bằng quy hoạch vùng sản xuất tập trung chuyên canh trồng lúa chất lượng cao, xây dựng những mô hình trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả... cho giá trị kinh tế cao.
Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư, mở rộng các cụm công nghiệp làng nghề để giải quyết việc làm cho nông dân nhằm đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu lao động, từng bước đưa các xã về đích trong xây dựng NTM.