IMF nêu quan điểm bất ngờ về làn sóng mở rộng BRICS

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, cơ quan này hoan nghênh việc cải thiện và mở rộng hợp tác quốc tế cũng như tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nhóm quốc gia, theo đài RT.

Bà Julie Kozack, người phát ngôn của IMF. Ảnh: Ieyenews.com
Bà Julie Kozack, người phát ngôn của IMF. Ảnh: Ieyenews.com

Việc mở rộng Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có thể mang lại lợi ích trên toàn cầu và do đó nên được "khuyến khích" - bà Julie Kozack, người phát ngôn của IMF, trả lời báo giới khi được đề nghị bình luận về kế hoạch gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi được hỏi liệu IMF có "nhìn thấy bất kỳ mối nguy hiểm nào ở BRICS" hay không, bà Kozack trả lời: "Quan điểm của chúng tôi là việc cải thiện và mở rộng hợp tác quốc tế cũng như tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa các nhóm quốc gia nên được hoan nghênh và khuyến khích", đặc biệt là nếu nhằm mục đích "giảm sự phân mảnh và hạ thấp chi phí thương mại - đầu tư" giữa các nước tham gia.

Quan chức của IMF cũng nhấn mạnh rằng "quyết định tham gia BRICS là quyết định có chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên".

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia mới nhất chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS vào đầu tháng này.

Bloomberg đưa tin vào đầu tháng 9 rằng tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ có thể được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) vào cuối tháng 10. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã được mời tham dự cuộc họp.

Tuần trước, Trợ lý Tổng thống Nga Yury Ushakov xác nhận, Ankara đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS và cho biết liên minh sẽ xem xét vấn đề này.

Chính quyền Ankara trước đây đã khẳng định quyền thiết lập quan hệ với bất kỳ quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào mà họ cho là phù hợp, tuyên bố rằng việc tham gia BRICS hoặc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) không ảnh hưởng đến các cam kết khác của nước này, bao gồm cả với NATO.

"Chúng tôi không coi BRICS là giải pháp thay thế cho bất kỳ cấu trúc nào khác. Chúng tôi coi tất cả các cấu trúc và liên minh này đều có chức năng riêng biệt" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh rằng Ankara muốn trở thành "đối tác đáng tin cậy" với tất cả các tổ chức mà họ tham gia.

"Là một thành viên NATO, chúng tôi không coi việc tương tác với các quốc gia trong SCO, BRICS hay Liên minh châu Âu (EU) là vấn đề. Chúng tôi tin rằng những mối quan hệ này đóng góp cho hòa bình thế giới” - nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Hơn 30 nước mong muốn gia nhập BRICS

Phát biểu tại cuộc họp với các đại diện cấp cao phụ trách an ninh của BRICS hôm 12/9 ở TP St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng có tới 34 quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia BRICS theo nhiều hình thức khác nhau.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp với các đại diện cấp cao phụ trách an ninh của BRICS hôm 12/9 ở TP St. Petersburg. Ảnh: Sputnik
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp với các đại diện cấp cao phụ trách an ninh của BRICS hôm 12/9 ở TP St. Petersburg. Ảnh: Sputnik

"Chúng ta không thể bỏ qua sự quan tâm ngày càng tăng từ nhiều quốc gia đối với BRICS. Tính đến hôm nay, hơn 30 quốc gia, chính xác là 34 nước, đã bày tỏ sự quan tâm tham gia các hoạt động của nhóm chúng ta dưới hình thức này hay hình thức khác” - ông Putin phát biểu.

Tổng thống Putin nói thêm rằng với tư cách là nước Chủ tịch hiện tại của BRICS, Nga đã nghiên cứu việc lập kế hoạch cho các hoạt động chung của nhóm năm nay với trách nhiệm cao nhất.

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, các thành viên BRICS đã nhất trí thảo luận về việc cấp quy chế đối tác cho các quốc gia sẵn sàng tham gia vào công việc của nhóm, và BRICS có kế hoạch xem xét các ứng cử viên tiềm năng có thể nhận được quy chế như vậy.

BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu có 4 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập BRICS vào năm 2011. Nhóm đã có đợt mở rộng lớn vào đầu năm nay khi Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất trở thành thành viên chính thức.

Theo đài RT,  BRICS hiện có dân số khoảng 3,6 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới. BRICS chiếm 28% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và chiếm khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới.

Hồi tháng 6 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov thông báo, BRICS đã bỏ phiếu tạm thời đình chỉ gia nhập thành viên mới và tập trung vào việc hội nhập các quốc gia đã gia nhập trong năm 2024. Theo Ngoại trưởng Lavrov, BRICS sẽ có một danh mục mới về "các quốc gia đối tác" như một "bước đệm" để trở thành thành viên chính thức.

Algeria, Việt Nam, Indonesia, Pakistan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Venezuela, Kazakhstan, Cuba, Palestine, Congo, Gabon, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Kuwait, Senegal và Bolivia là những nước đang mong muốn gia nhập BRICS.

Tháng trước, Azerbaijan thông báo đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Hồi tháng 7, hãng thông tấn BERNAMA dẫn lời Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói rằng nước này đã gửi đơn xin gia nhập BRICS tới Nga.Trước đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết Thái Lan đã đệ đơn chính thức xin gia nhập nhóm này./.