KTĐT - Từ nay đến năm 2030, Indonesia có thể trở thành một trong những nước hàng đầu sản xuất lúa gạo, ngô, mía đường, cà phê, tôm, các loại thịt và dầu cọ.
Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuê lại những cánh đồng màu mỡ trên toàn quốc và biến đất nước thành một quốc gia sản xuất lương thực lớn trên thế giới là lời kêu gọi mà chính phủ Indonesia vừa đưa ra.
Theo Straits Times, “cung cấp cái ăn cho người Indonesia và cho cả thế giới” là khẩu hiệu của Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono sau khi chính phủ nước này công bố kế hoạch đẩy mạnh khai thác năng lực nông nghiệp còn nhiều tiềm năng tại các vùng xa trung tâm như Papua và Borneo.
Từ nay đến năm 2030, Indonesia có thể trở thành một trong những nước hàng đầu sản xuất lúa gạo, ngô, mía đường, cà phê, tôm, các loại thịt và dầu cọ, theo lời Hilman Manan, một quan chức cao cấp thuộc Bộ Nông nghiệp. Indonesia, nước có dân số lớn thứ tư thế giới với 235 triệu người, đã tự cung cấp đủ gạo từ năm 2008 và hiện là nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới.
“Nếu mọi việc đúng kế hoạch, Indonesia sẽ có thể dự trữ đủ lương thực trong 5 năm. Và lúc ấy chúng tôi có thể nuôi ăn phần còn lại của thế giới”, Sony Heru Priyanto, chuyên gia của đại học tổng hợp Satya Wacana Christian nói.
Mục tiêu đầu tiên của kế hoạch trở thành nồi cơm của thế giới là phát triển 1,6 triệu héc-ta ở khu vực Merauke, đông nam thuộc tỉnh Papua hiện chưa được khai thác triệt để.
Chính phủ Indonesia cũng hy vọng kế hoạch này sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm và biến vùng đất nghèo nàn lạc hậu trên quần đảo Indonesia trở nên sung túc, trù phú.
“Chúng tôi chọn Merauke vì đó là nơi lý tưởng cho việc trồng các loại cây lương thực, như gạo, ngô, đậu tương”, ông Manan nói. “Merauke có 4,5 héc-ta đất, 2,5 triệu héc-ta trong số ấy rất lý tưởng cho việc trồng cây lương thực.
Đây là vùng bằng phẳng, có khí hậu tốt, trong khi đảo Sumatra đã có quá nhiều loại cây trồng, ví dụ dầu cọ, và Kalimantan cũng có nhiều loại cây trồng, thêm vào đó là nhiều mỏ khoáng sản”.