KTĐT - Bộ Môi trường Indonesia đã quyết định thành lập nhóm công tác đặc biệt quản lý sau thảm họa, với nhiệm vụ phân tích những mối nguy hiểm đe dọa con người và môi trường do các thảm họa thiên tai gây ra để hỗ trợ các kế hoạch tái thiết.
Trong khi Indonesia đang tập trung mọi nỗ lực để cứu trợ nạn nhân thảm họa thiên tai, núi lửa Merapi ở huyện Sleman, tỉnh Trung Java của nước này, đã lại một lần nữa phun trào.
Theo cơ quan giám sát hoạt động núi lửa của Indonesia, Merapi bắt đầu hoạt động trở lại lúc 4 giờ 30 chiều 28/10, khiến tro bụi nóng bốc cao, bao phủ trên diện rộng. Hầu hết người dân ở xung quanh khu vực trên phải đi sơ tán để bảo toàn tính mạng.
Hiện chưa có thống kê về thiệt hại trong lần "thức giấc" này cũng như thông báo về khả năng xảy ra đợt phun trào tiếp theo.
Hồi đầu tuần này, đã có 33 người thiệt mạng sau khi núi lửa Merapi "tỉnh giấc."
Bộ Môi trường Indonesia đã quyết định thành lập nhóm công tác đặc biệt quản lý sau thảm họa, với nhiệm vụ phân tích những mối nguy hiểm đe dọa con người và môi trường do các thảm họa thiên tai gây ra để hỗ trợ các kế hoạch tái thiết.
Nhóm trên, gồm các quan chức và chuyên gia cấp cao của Bộ Môi trường, được thành lập ngay sau khi xảy ra thảm họa kép động đất và sóng thần ở quần đảo Mentawai, tỉnh Tây Sumatra và núi lửa Merapi phun trào ở tỉnh Trung Java.
Trong ngày 28/10, nhóm đã lên đường đến Mentawai để có thể đưa ra những đánh giá sơ bộ mức độ ô nhiễm tại các làng đã bị động đất và sóng thần san phẳng hoặc tàn phá rất nặng nề.
Tiếp đó, nhóm cũng sẽ tới các vùng vừa bị lụt nghiêm trọng ở huyện Wasior, tỉnh Tây Papua, và các vùng bị ảnh hưởng của núi lửa ở tỉnh Trung Java và đặc khu Yogyakarta để đánh giá các nguy cơ về môi trường.
Kết quả chính của những khảo sát, đánh giá của nhóm là nhằm tìm lời giải đáp cho câu hỏi liệu các vùng bị thảm họa có còn thích hợp cho người dân sinh sống hay không.
Vào năm 2004, sau đợt động đất và sóng thần ở tỉnh Aceh, Bộ Môi trường Indonesia cũng đã thành lập một nhóm công tác tương tự và đã phát hiện thấy những vùng đất bị sóng thần tàn phá hầu hết đều nhiễm các hóa chất độc hại, nguy hiểm đối với con người. Song đáng tiếc là bộ này đã không ngăn được người dân trở lại sinh sống tại những vùng như vậy.
Indonesia nằm trong khu vực vành đai lửa Thái Bình Dương và là một trong những quốc gia phải thường xuyên hứng chịu hầu hết các loại thiên tai, từ lũ lụt, lở đất, động đất cho tới sóng thần.