Industry 4.0 Summit 2021: Đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước trong kỷ nguyên số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 9/11, Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2021 đã chính thức được khai mạc. Đây là sự kiện do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp cùng các bộ, ngành tổ chức.

Với chủ đề “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên số”, Industry 4.0 Summit 2021 sẽ là nơi để các cơ quan nhà nước cùng giới chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi nhằm góp phần triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cung cấp luận cứ cho xây dựng mô hình, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu khai mạc, Phó Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, qua 35 năm đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến sâu sắc. Từng bước từ một quốc gia kém phát triển, thu nhập bình quân đầu người thấp, đến nay đã thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình, vị thế trên trường quốc tế cũng càng ngày càng cải thiện và được đánh giá cao.
 Quang cảnh Diễn đàn Industry 4.0 Summit 2021 
Tuy nhiên, quá trình trên vẫn còn chậm, năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, việc tạo nền tảng để đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt mục tiêu đề ra, cũng như chưa thu hẹp được khoảng cách phát triển và bắt kịp các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính là do nhận thức về phát triển nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chưa đầy đủ. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm, mô hình tăng trưởng chưa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ngoài ra tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Hiển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu rộng và đa chiều trên phạm vi toàn cầu, làm thay đổi căn bản tư duy về công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã tạo những thay đổi lớn về tư duy và giải pháp phát triển những ngành, lĩnh vực khác thuộc nội hàm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá như về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, về phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao, về phát triển dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại ...
Do đó vấn đề đặt ra là Việt Nam cần nhận diện được bối cảnh và các xu thế lớn của công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong thời đại ngày nay để có những tư duy và tiếp cận mới. Có nhiều vấn đề lớn đặt ra như: Phục hồi kinh tế sau đại dịch; yêu cầu bảo đảm độc lập tự chủ trong phát triển kinh tế; Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh; cách thức để Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực cũng phải thay đổi khi Việt Nam tham gia các FTA; Ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam, Phó Ban Kinh tế Trung ương nói.
Với phiên chính diễn ra vào ngày 6/12 được chủ trì bởi lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Diễn đàn sẽ có chuỗi 10 phiên thảo luận chuyên đề được tổ chức xuyên suốt trong tháng 11-2021. Với những nội dung về sản xuất thông minh, đô thị thông minh, năng lượng xanh, ngân hàng thông minh, hạ tầng và Chính phủ số, nông nghiệp thông minh, nhân lực và giáo dục đào tạo gắn với chuyển đổi số... những chuyên đề này sẽ diễn ra với sự chủ trì của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và các bộ, ngành liên quan.
Ngay trong sáng 9/11, tại Diễn đàn cũng diễn ra Hội thảo chuyên đề về "Tư duy và cách tiếp cận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa". Tại đây, các đại biểu trong và ngoài nước trao đổi về bối cảnh, xu thế lớn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên thế giới cũng như những kinh nghiệm quốc tế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh nghiệm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19.
Theo Ban tổ chức, Industry 4.0 Summit 2021 quy tụ sự tham gia của khoảng 100 - 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị quốc tế cùng hơn 2.000 đại biểu dự trực tuyến tại 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố, các điểm cầu trong nước và quốc tế kết nối trực tuyến qua internet - là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp...
Được biết, sau khi Diễn đàn kết thúc, các nội dung ý kiến, kiến nghị và đề xuất của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ được Tổ biên tập Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để xây dựng Đề án trình Ban Chấp hành Trung ương vào năm 2022.
Bên cạnh các phiên hội thảo chuyên đề, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra hoạt động triển lãm ảo các mô hình, sản phẩm, công nghệ 4.0, kết quả chuyển đổi số các ngành, lĩnh vực... Triển lãm năm nay được phân chia thành các khu vực trải nghiệm công nghệ sẽ đem đến cho khách tham dự cơ hội được trực tiếp sử dụng công nghệ thực tế ảo, tương tác và giao lưu với các robot thông minh…
Cùng với đó là hoạt động Kết nối đầu tư công nghệ, qua đó sẽ mang lại cơ hội trao đổi trực tiếp, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm hợp tác, đầu tư giữa các tập đoàn và tổ chức doanh nghiệp tiêu biểu về nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các công nghệ số.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần