Lệnh cấm vận của Mỹ đối với ngành dầu mỏ của Iran đã khiến Tehran giảm khoảng 1,5 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Phát biểu tại hội nghị năng lượng CERAWeek hôm 13/3, Đặc phái viên của Mỹ về Iran Brian Hook, cho biết, nhờ nguồn cung toàn cầu đang tăng cao - một phần do sản lượng dầu của Mỹ tăng kỷ lục, khiến Washington đang đẩy nhanh kế hoạch đưa xuất khẩu dầu thô của Iran về mức bằng 0.
Trước đó, theo Sputniknews, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington đang có ý định đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống mức 0 càng sớm càng tốt.
Phát biểu trong hội nghị năng lượng CERAWeek vào tối 12/3, Ngoại trưởng Pompeo nêu rõ: "Chúng tôi có ý định đưa mức dầu mỏ xuất khẩu của Iran xuống mức 0 ngay khi có thể".
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, 2 trong số các nhà sản xuất dầu lớn nhất trong Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), cùng với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga đã đẩy giá dầu thế giới lên mức cao nhất gần 4 tháng.
Hồi tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran , được ký từ năm 2015. Chính quyền Mỹ cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt với ngành dầu mỏ của Iran từ tháng 11 năm ngoái.
“Ông Trump nói chúng ta cần thực hiện một chiến dịch gây áp lực kinh tế tối đa đối với Iran . Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ cũng không muốn gây sốc cho thị trường dầu mỏ thế giới, ông muốn đảm bảo thị trường năng lượng ổn định và nguồn cung toàn cầu được đảm bảo. Chính sách này không thay đổi”, ông Hook nhấn mạnh.
Quan chức này khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran cho đến khi Tehran ngừng những hành động mà Ngoại trưởng Pompeo gọi là hành vi “nham hiểm” tại châu Âu và Trung Đông.
“Việc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu ổn định sẽ tạo điều kiện để chúng tôi thúc đẩy quá trình đưa mức xuất khẩu dầu của Iran về mức 0, song thị trường năng lượng cũng chịu áp lực từ nhiều yếu tố khác nữa”, ông Hook - cố vấn chính sách cao cấp của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho hay.
Thị trường “vàng đen” đang chờ đợi những tín hiệu cho thấy Washington có thể gia hạn lệnh miễn trừ trừng phạt đối với các khách hàng quan trọng của Iran vào đầu tháng 5 tới.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã gây bất ngờ cho thị trường dầu mỏ vào tháng 11 năm ngoái khi cho phép 8 quốc gia tiếp tục nhập khẩu dầu Iran. Quyết định này cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến giá dầu Brent lao dốc mạnh xuống chỉ còn gần 50 USD/thùng vào cuối tháng 12/2018 sau khi chạm đỉnh tới 86 USD/thùng thiết lập trong tháng 10.
Ông Hook cũng lưu ý thêm, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ trước đó đã dự báo rằng nguồn cung thế giới sẽ vượt nhu cầu khoảng 440.000 thùng dầu trong năm nay. Theo ông Hook, Mỹ đang giám sát chặt để đánh giá mức độ ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Iran đối nguồn cung toàn cầu.
Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih hôm 10/3 cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/dầu của OPEC và các đồng minh có thể sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 6 tới.