Iran: Xuất khẩu dầu tăng gấp đôi bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Iran Ebrahim Raisi hôm 9/5 cho biết, xuất khẩu dầu của nước này tăng gấp đôi so với tháng 8/2021. Bất chấp các lệnh trừng phạt nặng nề của Mỹ, Iran sẽ cạnh tranh với Nga trên thị trường dầu mỏ.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi. Ảnh: AP

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Tổng thống Ebrahim Raisi tuyên bố doanh số bán dầu tăng gấp đôi, khẳng định không lo lắng về doanh số bán dầu; tuy nhiên con số chi tiết về lượng dầu xuất khẩu không được công bố.

Phát ngôn của Tổng thống Iran đưa ra trong bối cảnh các thị trường quốc tế đang tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho dầu thô của Nga sau cuộc xung đột tại Ukraine, còn Moscow đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Dầu thô của Iran với thành phần tương tự như dầu thô của Nga, sẽ cạnh tranh trên thị trường dầu mỏ.

Do các cuộc xung đột và những bất ổn về nguồn cung, giá dầu đa tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế gần chạm mức 140 USD trong tháng 3, làm gia tăng thách thức trong việc thực thi các lệnh trừng phạt. Dầu Brent được giao dịch trên 105 USD/ thùng vào thứ 9/5.

Giá dầu tăng cao đã mang lại lợi ích không tưởng cho nền tài chính công của Iran. Nước này đang thu nhiều hơn hàng tỷ USD từ dầu thô, bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Iran công bố vào đầu tháng 2 cho thấy, nước này đã kiếm được 18,6 tỷ USD doanh số bán dầu trong nửa đầu năm nay ở Ba Tư, trái ngược với 8,5 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn lượng dầu đó được cho là đang hướng tới các cảng của Trung Quốc và Venezuela. Bộ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Javad Owji cho biết xuất khẩu dầu của nước này đã tăng 40% kể từ khi Tổng thống Raisi nhậm chức.

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump khi đó đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 của Iran với các cường quốc trên thế giới và áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Iran, bao gồm lĩnh vực dầu mỏ - huyết mạch của nền kinh tế nước này. Xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh và các công ty dầu mỏ quốc tế hủy bỏ các thỏa thuận với Tehran, khiến nền kinh tế nước này suy yếu. Theo thỏa thuận, Tehran phải hạn chế đáng kể việc làm giàu uranium để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế - bao gồm cả những biện pháp nhắm vào doanh số bán dầu quan trọng của nước này.

Các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân gần như đã hoàn thành vào đầu tháng 3, nhưng sau đó lại bị đình trệ. Điều phối viên của Liên minh châu Âu của các cuộc đàm phán dự kiến sẽ có mặt tại Tehran vào cuối tuần này, nhằm cố gắng phá vỡ thế bế tắc.

Iran đã đưa ngành công nghiệp dầu mỏ bị trừng phạt trở thành vấn đề cốt lõi trong các cuộc đàm phán với mục đích đạt được điều khoản mà dầu Iran có thể được bán dễ dàng và không gặp bất kỳ rào cản nào.