Quân đội Iraq dưới sự yểm trợ của Liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã đánh bật IS khỏi khu vực cuối cùng do tổ chức này còn nắm giữ dọc biên giới Syria và vùng sa mạc phía tây. Chiến thắng này đã đánh dấu chấm hết cho sự hiện diện của IS trên lãnh thổ Iraq kể từ năm 2014, thời điểm những kẻ khủng bố đã chiếm quyền kiêm soát gần 1/3 lãnh thổ Iraq, qua đó đe doạ sự tồn vong của chính nhà nước Iraq. Với ý nghĩa quan trọng này, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã tuyên bố ngày 10/12 hàng năm là ngày kỉ niệm chiến thắng IS.Bất chấp sự lạc quan từ chính quyền Baghdad, tuyên bố trên có lẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là thực tế. Về lý thuyết, với những thất bại nặng nề về mặt quân sự trong suốt 2 năm qua, IS đã không còn khả năng tổ chức một cuộc tấn công mang tính trực diện trước quân đội Iraq.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tình trạng hỗn loạn tại Iraq sẽ chấm dứt, khi không chỉ ở nhiều thành phố của Iraq mà còn ở Syria và nhiều nơi trên thế giới vẫn đang là mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố. Nguy hiểm hơn đó là sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan do IS khởi xướng, dẫn đến nguy cơ có thể bùng phát bạo lực ở bất cứ thời điểm nào. Quan điểm này cũng được nhấn mạnh trong tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert sau khi Iraq tuyên bố đã kiểm soát toàn bộ đất nước. Theo đó, bà nhấn mạnh “cuộc chiến giải phóng Iraq kết thúc không có nghĩa là cuộc chiến chống khủng bố, và thậm chí là chống IS ngay tại Iraq đã chấm hết”.Với diễn biến này, cuộc chiến chống IS tại Iraq được cho sẽ chuyển sang giai đoạn mới, trong đó không loại trừ tổ chức này sẽ tiến hành những cuộc tấn công ở quy mô nhỏ lẻ và khó đoán định. Điều này sẽ khiến giới chức Iraq không khỏi đau đầu, nhất là khi chính quyền Baghdad đang cần tập trung các nguồn lực nhằm mục tiêu ổn định cuộc sống người dân và tái thiết đất nước vốn đã bị tàn phá nặng nề do chiến sự.