Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Israel tăng cường giao thương dầu mỏ qua Biển Đỏ

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Israel đang có kế hoạch cho phép thêm nhiều tàu chở dầu cập cảng tại Eilat, nằm bên bờ Biển Đỏ, bất chấp những rủi ro về môi trường. Bước đi này được cho nhằm duy trì an ninh năng lượng trong bối cảnh xung đột leo thang trên nhiều mặt trận.

Tàu chiến corvette Saar-6 của Israel, ngoài khơi thành phố Eilat. Ảnh: Ammar Awad
Tàu chiến corvette Saar-6 của Israel, ngoài khơi thành phố Eilat. Ảnh: Ammar Awad

Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết muốn dỡ bỏ hạn chế về lượng dầu có thể được tiếp nhận  tại cầu cảng trong thành phố. Cầu cảng này nằm giữa các khu nghỉ dưỡng và bãi biển, đồng thời tiếp giáp với một rạn san hô mong manh.

Các hạn chế được Bộ Bảo vệ Môi trường áp đặt vào năm 2021, trên thực tế đã tạm dừng thỏa thuận cung cấp dầu với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã được nới lỏng tạm thời vào cuối năm ngoái khi xung đột tại Dải Gaza bắt đầu.

Cầu cảng thuộc sở hữu của Công ty Đường ống Dầu khí Châu Âu - Á (EAPC), đơn vị vận hành đường ống dẫn dầu chạy qua Israel, nối liền Biển Đỏ và Địa Trung Hải như một lựa chọn thay thế cho các tàu chở dầu đi qua kênh đào Suez.

EAPC mong muốn nhận thêm dầu nhưng các nhà quản lý môi trường và Thị trưởng Eilat lại phản đối kế hoạch này.

Trong bối cảnh Israel vừa triển khai cuộc chiến chống Hamas, đồng thời tiếp tục duy trì tình trạng cảnh giác trước Hezbollah ở Lebanon, các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Yemen, Iraq và thậm chí cả chính Iran, Tel Aviv đang thúc đẩy tuyến giao thương để đảm bảo duy trì ổn định cho nền kinh tế.

Điều này càng đặc biệt quan trọng, khi nguồn năng lượng chính từ mỏ khí Tamar ngoài khơi bị đóng cửa tạm thời ngay từ đầu cuộc chiến với Hamas, buộc Tel Aviv phải chuyển sang các nguồn cung cấp ngoài. 

EAPC đã ký một thỏa thuận để vận chuyển lượng lớn dầu từ UAE sang châu Âu thông qua đường ống của họ vào năm 2020, ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Đây là một trong những quan hệ đối tác quan trọng nhất nổi lên từ Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian.