Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kế hoạch phục thù của Trung Quốc gặp khó

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Revenge spending" - chi tiêu phục thù - là một thuật ngữ nổi lên trên truyền thông xã hội Trung Quốc sau 2 tháng phong tỏa quốc gia vì Covid-19, dựa trên ý tưởng rằng người dân sẽ đẩy mạnh chi tiêu sau dịch bệnh để cứu nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng.

Trung Quốc từ lâu ấp ủ hướng đến nền kinh tế tiêu dùng trong nước vững mạnh.
Ngay từ khi Trung Quốc vẫn còn trong đỉnh điểm bùng phát dịch bệnh, nhiều nhận định lạc quan từ Bắc Kinh đã dự báo về làn sóng tiêu dùng trong nước mạnh mẽ của người dân - bị dồn nén sau các lệnh hạn chế - sẽ tạo ra sự phục hồi nhanh chóng cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Tuy nhiên, trước các dấu hiệu suy giảm kinh tế quốc gia chưa từng có kể từ năm 1976 - thời điểm Lãnh tụ Mao Trạch Đông qua đời, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu thành thị tại Trung Quốc đang thắt lưng buộc bụng do lo ngại về việc làm và mức nợ cao.
Khó nơi nòng cốt của kế hoạch 
Cần lưu ý, khoảng 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc vốn được xem là "mỏ vàng" của mọi DN trên thế giới, khi Viện toàn cầu McKinsey từng dự báo giới này đã và đang phát triển nhanh chóng, có thể đạt tới 550 triệu người trong 3 năm - gấp 1,5 lần so với toàn bộ dân số Mỹ hiện nay.
Và cuộc khủng hoảng Covid-19 đang khiến tầng lớp này "run sợ". SCMP dẫn ví dụ về Jane Zeng - một chủ đầu tư tại Thâm Quyến. Cô và chồng đều ở độ tuổi 40, sở hữu 3 căn hộ ở trung tâm công nghệ cao đang bùng nổ của Trung Quốc, giáp biên giới Hồng Kông.
Gia đình Zeng phải trả 60.000 NDT/tháng (8.500 USD) cho các khoản vay thế chấp, được dùng để đầu tư vào một quán ăn trong một trung tâm mua sắm. Kinh doanh đã có lãi cho đến khi Covid-19 lây lan. Gánh nặng nợ hiện đã tăng thêm 20.000 NDT mỗi tháng.
Zeng nói rằng cô đã mất việc, lương của chồng cô giảm xuống, trong khi quán ăn thua lỗ, nên khó để duy trì mức thu nhập hơn 100.000 NDT/tháng - mức để giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát, bao gồm cả học phí cho đứa con duy nhất của vợ chồng.
"Gia đình tôi sắp hết tiền. Chi tiêu phục thù ư? Tôi thậm chí chẳng nghĩ đến nó", Zeng nói, kể rằng gia đình đang cố gắng bán 2 căn hộ của họ nhưng có rất ít người muốn mua.
Vợ chồng cô cũng đang xem xét vay bắc cầu từ một người cho vay tiền tư nhân để trả tiền thế chấp, sau đó nộp đơn xin vay ngân hàng mới. "Đây có lẽ là cách duy nhất để trụ được nửa cuối năm nay", Zeng nói thêm, chia sẻ rằng nhiều bạn bè và người thân của cô cũng đang gặp vấn đề tương tự.
Các hộ gia đình như Zeng được xem là trung tâm trong kế hoạch của Bắc Kinh nhằm chuyển mô hình kinh tế của quốc gia khỏi các khoản đầu tư và xuất khẩu do nhà nước lãnh đạo, sang nền kinh tế tiêu dùng trong nước, bởi sức mạnh chi tiêu của người dân dường như là một xu hướng không bao giờ kết thúc.
Năm ngoái, tiêu dùng đóng góp khoảng 60% tăng trưởng kinh tế của quốc gia Trung Quốc. Và khi hàng chục triệu nhân viên tạm thời mất việc và hàng trăm nghìn DN nhỏ phá sản do Covid-19, của cải của các gia đình trung lưu đang bị ăn mòn.
Chính sách hỗ trợ chưa trúng?
Một cuộc khảo sát do ĐH Tài chính và Kinh tế Tây Nam Trung Quốc thực hiện hồi tháng trước cho thấy, 60,9% trong số 3.143 hộ gia đình tin rằng thu nhập của họ trong năm 2020 sẽ giảm so với năm ngoái. 41,6% trong số đó đã có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong năm nay.
Khảo sát của Morgan Stanley công bố tuần trước cho thấy, người tiêu dùng thành thị Trung Quốc có ý định đi du lịch hoặc giao lưu xã hội sau khi dỡ bỏ hạn chế vẫn khá thấp - chỉ khoảng 25% trong số 2.000 người được hỏi. Khảo sát cũng cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc dự định tăng chi tiêu cho nhu yếu phẩm và quần áo, nhưng cắt giảm hàng hóa xa xỉ và hàng điện tử tiêu dùng.
Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm 20,5% trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái do ảnh hưởng của dịch bệnh. Dữ liệu bán lẻ của tháng 3 sẽ được phát hành vào ngày 17/4 tới.
Cho đến nay, Chính phủ Trung Quốc vẫn hạn chế tối đa việc giảm thuế trên diện rộng hoặc trợ cấp trực tiếp để giúp các hộ gia đình chi trả hóa đơn. Thay vào đó, Bắc Kinh chủ yếu đổ tiền vào chính quyền địa phương để tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng, và bơm tín dụng vào hệ thống ngân hàng nhà nước để thúc đẩy cho vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng - kế hoạch kích thích quen thuộc của quốc gia này.
Theo SCMP, khoảng 30 TP của Trung Quốc đã phát hành phiếu mua hàng trị giá 5 tỷ NDT (704 triệu USD) để hỗ trợ chi tiêu tại địa phương, nhưng các biện pháp chủ yếu mang tính hình thức vì giá trị hỗ trợ nhỏ, trong khi việc sử dụng bị hạn chế đối với một số thương nhân được chỉ định. Điều này khiến nhiều DN doanh nghiệp phụ thuộc vào người tiêu dùng Trung Quốc - từ các tiệm lề đường đến các nhà môi giới du thuyền - vẫn hết sức chật vật.