Kết quả khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long: Thêm nhiều sử liệu quý báu

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mở rộng khai quật thăm dò phía Đông Bắc điện Kính Thiên với diện tích gần 900m2 vào năm 2019, Viện Khảo cổ Việt Nam đã phát hiện ra nhiều dấu tích sân vườn, hồ ao, hiện vật mang kiến trúc thời Lê sơ và Lê Trung Hưng khiến giả thiết về vườn Thượng uyển, điện Cần Chánh lần đầu được phát lộ tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Kết quả khai quật vừa được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội công bố.

Dấu tích vườn thượng uyển
Trong những lần khai quật khảo cổ của các năm trước, từ địa tầng, di tích cho đến các hiện vật mới giải mã về điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long. Nhưng theo GS.TSKH Lưu Trần Tiêu – Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, điện Kính Thiên là nơi thiết triều, nơi tiếp đón các sứ thần, không phải là nơi làm việc của vua.
Trong khi đó, mục tiêu của Hà Nội trong đề án phục dựng không gian điện Kính Thiên tại Hoàng thành Thăng Long sẽ bao gồm cả các công trình xung quanh. Nghiên cứu các công trình cung điện ở cố đô Huế cho thấy đường thần đạo ngoài chính điện (điện Thái Hòa) còn có điện Cần Chánh (nơi nghỉ ngơi, làm việc của vua).
PGS.TS Tống Trung Tín giới thiệu các di vật đặc sắc khai quật được trong năm 2019 tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Ảnh: Linh Anh
Theo GS Lưu Trần Tiêu, dù triều Nguyễn không định đô ở Thăng Long nhưng chắc chắn đã tiếp thu được nhiều kinh nghiệm từ Hoàng thành Thăng Long trong quá trình xây dựng kinh đô Huế.
Chính vì vậy, GS Lưu Trần Tiêu đặt giả thiết, vị trí làm việc của các vị vua ở Hoàng thành Thăng Long nhiều khả năng ở trong không gian sau điện Kính Thiên và trước Hậu Lâu. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, sử sách cũng ghi, tại Hoàng thành Thăng Long còn có vườn Thượng uyển (nơi các vua và các quan triều đình dạo chơi, buông câu, đọc sách, ngâm thơ…).
Bằng chứng khai quật năm 2019 tại Hoàng thành Thăng Long đã ra những phát hiện mới về dấu tích kiến trúc sân vườn thời Lê Trung Hưng gồm đường đi và hệ thống bồn hoa nằm dọc hai bên đường. Kết quả khai quật còn phát hiện hồ, ao và các dấu tích thời Lê sơ và Lê Trung Hưng, phát hiện tổ hợp kiến trúc gồm một kiến trúc móng cột và kiến trúc sân vườn.
Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành: Đây là những minh chứng rõ hơn về trình độ quy hoạch không gian và cảnh quan sân vườn của công trình kiến trúc Hoàng thành Thăng Long đương thời.
Hơn nữa, kết quả khảo cổ học còn cho ta một suy đoán tổ hợp kiến trúc mới phát hiện có thể là kiến trúc cổng phía Nam của điện Cần Chánh, nơi làm việc của vua và triều đình Lê Trung Hưng. Nếu giả thiết này là đúng thì đây là phát hiện hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê Trung hưng.
Quyết sách của vua Lý từ khảo cổ
Một trong những phát hiện có giá trị lớn trong đợt khai quật năm 2019 được PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra là cống nước thời Đại La nằm sâu dưới lòng đất (hơn 5m) cùng các di vật ngói thời Đinh – Tiền Lê, góp phần khẳng định làm rõ hơn ghi chép trong Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn, củng cố nhận định khoa học về việc Lý Công Uẩn đã lựa chọn xây dựng kinh đô Thăng Long ở đúng vị trí thành Đại La cũ thời Cao Biền và kinh sư thời Đinh – Tiền Lê.
PGS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc – Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cũng cho rằng việc phát hiện ra dấu tích kiến trúc thời Lý (hay tiền Thăng Long), cụ thể là chân tảng đá cát, mảnh đá đề rồng cỡ lớn, mảng gạch lát nền hoa sen… ở khu vực phía Đông Bắc điện Kính Thiên là rất quan trọng.
GS Nguyễn Quang Ngọc giả thiết có thể đây là những mảnh còn sót lại của các điện Nhật Quang, Long Thụy thời kỳ đầu định đô Thăng Long.
Cuộc khai quật năm 2019 đã gợi ra những nhận thức mới góp phần thúc đẩy một bước quan trọng trong việc tìm hiểu diện mạo khu chính điện Kính Thiên và các công trình liên quan, dần dần làm sáng tỏ sự hiện hữu của các công trình thuộc triều đại vua chúa Việt.
Tuy nhiên, phần đa các nhà khoa học vẫn tỏ ra sốt ruột với tiến độ khảo cổ học hàng năm tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội vì chưa mở rộng ra khu vực phía Nam, cũng như khu vực thềm rồng điện Kính Thiên để hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu. Đó là chưa kể, mong muốn của cố GS Phan Huy Lê cách đây 2 năm là tổ chức hội thảo tập hợp báo cáo kết quả khảo cổ, công bố những kết quả khảo cổ tại vườn hồng, khu vực Nhà Quốc hội vốn vẫn được coi là bí mật để có thể kết nối, hoàn thiện cơ bản nhất hồ sơ nghiên cứu, chuẩn bị cho bước phục dựng điện Kính Thiên cũng chưa được thực hiện.

"Việc khai quật ra nhiều dấu vết kiến trúc, di vật thời Lê Trung Hưng đặc biệt và dày hơn những lần khai quật trước là bước tiến quan trọng đưa ra những tư liệu quý giúp cho khôi phục không gian điện Kính Thiên." - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, TS Phạm Quốc Quân