Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Kêu gọi thế giới tránh một cuộc chiến tiền tệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 hồi tháng trước, các nước đã cam kết hành động để giảm sự mất cân bằng tài khoản vãng lai hiện đang ở mức quá cao và duy trì chúng ở mức "bền vững"

KTĐT - Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 hồi tháng trước, các nước đã cam kết hành động để giảm sự mất cân bằng tài khoản vãng lai hiện đang ở mức quá cao và duy trì chúng ở mức "bền vững," buộc các nước như Trung Quốc và Đức phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trong quá trình thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) trong các ngày 11 và 12/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã ngầm kêu gọi thế giới tránh một cuộc chiến tiền tệ.

Phát biểu tại Berlin (Đức) ngày 9/11, ông Van Rompuy khẳng định chỉ có những tỷ giá dựa trên cơ sở thị trường mới thể hiện đúng bản chất của một nền kinh tế và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các quốc gia và khu vực.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng bày tỏ sự không hài lòng đối với việc Mỹ đang khuyến khích đồng USD yếu để kích thích xuất khẩu. Ông cũng nhấn mạnh những nền tảng của nền kinh tế như lạm phát và thâm hụt thấp phải mang tính chắc chắn. Nếu thiếu điều này, bóng ma của chủ nghĩa bảo hộ sẽ quay trở lại.

Trước đó, châu Âu cũng đã cảnh báo về việc đồng euro tăng cao có thể tác động tiêu cực đến sự phục hồi yếu ớt của khu vực này do xuất khẩu giảm. Dự kiến, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ nêu vấn đề đồng USD yếu tại hội nghị G-20 lần này sau khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này làm dấy lên những chỉ trích của thế giới.

Đại diện Liên minh châu Âu cũng sẽ đề cập các chủ đề như cải cách thể chế tài chính quốc tế, tăng cường quản lý kinh tế toàn cầu, nối lại vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn nhật báo Die Welt, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định việc duy trì tỷ giá hối đoái thấp giả tạo là chính sách gây thiệt hại cho tất cả các nền kinh tế.

Theo bà, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thông qua kiềm chế đồng nội tệ thấp giả tạo là hết sức thiển cận và nguy hiểm mà hậu quả là gây tổn hại cho các nền kinh tế. Ngoài ra, tỷ giá bị bóp méo cũng làm suy yếu đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Nữ Thủ tướng Đức bày tỏ hy vọng tại hội nghị thượng đỉnh G-20 tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ thảo luận nghiêm túc về các mức tỷ giá thích hợp.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 hồi tháng trước, các nước đã cam kết hành động để giảm sự mất cân bằng tài khoản vãng lai hiện đang ở mức quá cao và duy trì chúng ở mức "bền vững," buộc các nước như Trung Quốc và Đức phải giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trong quá trình thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Các quan chức G-20 cũng tìm được tiếng nói chung trong thiết lập các hệ thống tỷ giá hối đoái dựa trên sự vận hành của thị trường và kiềm chế chạy đua phá giá đồng nội tệ./.