Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khắc phục bất cập trong đầu tư PPP

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ công, hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) đang là một xu thế tất yếu. Ngoài vướng mắc về pháp lý do các văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ dừng lại ở mức nghị định, nhiều ý kiến cho rằng, việc nâng cấp quy định về PPP từ Nghị định lên Luật là rất cần thiết.

Chưa có nhà đầu tư ngoại tham gia
Hợp tác đầu tư PPP, trong đó có các hình thức hợp đồng BOT, BT, BOO… hiện nay được quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và một số Thông tư, văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, đến nay, số lượng dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/CP và Nghị định 30/CP không nhiều.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 dự kiến sẽ được xây dựng theo hình thức PPP. Ảnh: Phạm Hùng
Mong muốn sớm xây dựng nền tảng pháp lý cho đầu tư PPP ở cấp độ cao nhất, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tasco cho rằng, dự án PPP có thời gian kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí 20 - 30 năm, nếu chỉ dừng ở nghị định, rủi ro trong chính sách rất lớn, nhất là khi nhà đầu tư (NĐT) bỏ ra lượng tiền rất lớn và phải thu hồi vốn trong thời gian dài.

Ông Dũng cho hay, năm 2017, nhiều NĐT đã gửi kiến nghị lên Chính phủ đề nghị sửa đổi Nghị định 15, trong đó cần quy định thời gian cụ thể từ khi đề xuất đến khi duyệt dự án và thực hiện. “Ví như khâu giải phóng mặt bằng hiện nay rất chậm, gây lãng phí của cải của DN”.
Theo ông Dũng, quy định thời gian cụ thể vào nghị định mới để các NĐT cũng như cơ quan Nhà nước có cơ sở thực hiện, tránh việc kéo dài thời gian vì có những dự án bị “giam” quá lâu khiến NĐT nản lòng. “Ngay cả khâu quyết toán hợp đồng, có rất nhiều cơ quan nào là kiểm toán độc lập, kiểm toán Nhà nước, rồi các cơ quan định giá vào rất mất thời gian… Trong luật tới đây phải ghi rõ, kiểm toán Nhà nước là cơ quan cao nhất, không có chuyện thanh tra kiểm toán nọ kiểm toán kia vào nữa” - ông Dũng kiến nghị.

Một thực tế đáng lo ngại nữa là các NĐT BOT hiện nay chủ yếu là DN trong nước. Ông Lưu Xuân Thủy - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho biết, DN của ông mong muốn được đồng hành với các đối tác nước ngoài cùng chung định hướng tìm kiếm các cơ hội mang tính chiến lược lâu dài trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
Tuy nhiên mấy năm nay, vẫn chưa có thêm một NĐT nào tham gia liên doanh cùng. “NĐT nước ngoài sợ giải phóng mặt bằng ở Việt Nam quá chậm. Chưa kể đến hành lang pháp lý, chỉ trong vòng mấy năm vừa qua chúng ta đã thay đổi 4 Nghị định, mỗi Nghị định lại quy định một phương pháp quản lý khác nhau về các dự án BOT, BT, họ không thể chạy theo được” – ông Thủy nói.

Để PPP thực sự hấp dẫn

Thống kê không chính thức cho thấy, đối với một dự án BOT, có đến ít nhất 10 cơ quan quản lý Nhà nước tham gia vào các khâu thanh kiểm tra, thẩm định, phê duyệt, giám sát. Điều đáng nói là do cơ chế sàng lọc năng lực chưa chặt nên đã để lọt nhiều NĐT đuối về năng lực tài chính, hiệu quả đầu tư thấp, công trình kém chất lượng, bất cập trong thu phí…

Theo nhiều ý kiến, việc xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian tới cần công khai, minh bạch. Hoàn thiện các quy định về PPP và đấu thầu lựa chọn NĐT. Công khai thông tin về đề xuất dự án PPP và các thông tin trong quá trình lựa chọn NĐT; công khai trong suốt vòng đời dự án, bao gồm cả thông tin về tiến độ thực hiện công trình. Đồng thời cần có những quy định rõ ràng về công tác giám sát, nghiệm thu và thanh toán công trình, đặc biệt quản lý phần vốn góp của Nhà nước...

Theo ông Trần Việt Dũng - Chánh Văn phòng hợp tác công - tư (Bộ KH&ĐT), Dự thảo đã đề xuất sửa đổi theo hướng mở. Quy định mới bổ sung chế tài xử lý đối với các NĐT chậm quyết toán, chậm thực hiện trách nhiệm công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu giá sử dụng dịch vụ. NĐT phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình khi vận hành và bàn giao cho Nhà nước. Đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện quy trình đầu tư, khai thác các dự án.
"Loại hình dự án PPP là mời gọi NĐT tư nhân tham gia chứ không phải là cho hay không cho NĐT tham gia dự án. Chính vì thế, nghị định mới cần đưa ra các quy định phù hợp với điều kiện thực tế, đơn giản hóa nhiều thủ tục, đồng thời vẫn quản lý chặt chẽ quá trình lựa chọn NĐT” - ông Dũng chia sẻ.