UBND TP vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông làm việc với Sở TN&MT về triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của ngành tài nguyên – môi trường.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP thống nhất kết luận, chỉ đạo Sở TN&MT khẩn trương rà soát, kiện toàn, bố trí, sắp xếp cán bộ các phòng, ban, đơn vị, sắp xếp lại Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai, thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo Thông tư số 21/2022/TT-BTNMT ngày 19/12/2022 của Bộ TN&MT. Ban Giám đốc Sở xây dựng, ban hành Đề án, thực hiện công khai theo đúng quy định. Sở Nội vụ hướng dẫn Sở TN&MT thực hiện, báo cáo tình hình triển khai trong tháng 4/2023.
Về xử lý chất thải rắn, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá công tác vệ sinh môi trường tại các quận, huyện, thị xã (công tác đấu thầu các gói thầu vệ sinh môi trường, công tác thu gom vận chuyển, năng lực của các nhà thầu, việc thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến vệ sinh môi trường, công tác kiểm tra thường xuyên của UBND các quận, huyện, thị xã), đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng đổ trộm rác thải, đốt rác thải, rác thải không được thường xuyên thu dọn và tập kết không đúng nơi quy định, phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và mỹ quan đô thị.
Các nhà thầu VSMT cần đầu tư xe thu gom tay ngang và các thùng rác tiên tiến, đảm bảo việc thu gom rác thuận tiện; lưu ý không để điểm chân rác gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị (ít nhất trong nội đô).
Về việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, cần nghiên cứu xây dựng các quy định về việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đảm bảo phù hợp với thực tiễn (trước mắt ưu tiên việc phân lại rác thải nguy hại);
Đối với việc đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác mà Thành phố đã quyết định thu hồi (Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại thôn Lễ Thượng, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên; Dự án khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn của Công ty TNHH Indovin Power; Dự án Xử lý rác thải thu hồi điện Xuân Sơn của Công ty TNHH Năng lượng Môi trường T&T-HITZ) và Dự án đầu tư nhà máy rác công nghệ cao tại Khu LHXLCT Nam Sơn, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát các nội dung liên quan đến quy hoạch, kế hoạch xử lý vận hành tại các Khu XLCT sớm nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất dự án mới, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đáp ứng các yêu cầu của Thành phố, trong đó nêu rõ hình thức, phương thức đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy hoạch được duyệt và tuân thủ các quy định hiện hành.
Đối với dự án Khu xử lý chất thải huyện Đông Anh và Dự án nhà máy xử lý và chế biến rác thải Phương Đình của Công ty cổ phần Đầu tư Thành Quang, Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan kiểm tra, rà soát Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 609/QĐ-TTg ngày 25/4/2014; báo cáo về đề xuất điều chỉnh quy hoạch, nâng công suất xử lý rác của Nhà đầu tư, trong đó báo cáo rõ tính khả thi điều chỉnh quy hoạch tại 2 khu xử lý chất thải rắn huyện Đông Anh và huyện Đan Phượng. Công ty cổ phần đầu tư Thành Quang lập hồ sơ đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đảm bảo theo đúng quy định gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quý I/2023; trường hợp quá thời hạn trên, Chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ theo quy đinh, Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo UBND TP xem xét chấm dứt, thu hồi Dự án.
Về công tác bảo vệ môi trường nước, không khí, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT tập trung tham mưu xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các Đề án về môi trường nước, môi trường không khí (Đề án phục hồi chất lượng môi trường nước và phát triển hệ thống 04 sông trong nội đô (Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét); Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2021-2025; sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề…); phối hợp với Sở Xây dựng đề xuất các giải pháp cụ thể, sớm báo cáo UBND Thành phố.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, các cơ quan liên quan để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đăng kiểm, đảm bảo khí thải môi trường của các phương tiện giao thông trên địa bàn Thành phố.
Sở TN&MT cần khẩn trương rà soát, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan để tham mưu cho UBND TP chỉ đạo thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả, công khai, minh bạch về sử dụng đất đai, nhất là việc tiếp tục tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, biện pháp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án theo quy định để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thành phố.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Sở TN&MT rà soát, báo cáo đề xuất UBND TP xem xét, quyết định chỉnh sửa, bổ sung, thay thế, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng; tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các Sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, nhất là các dự án trọng điểm, như: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội,…
Về việc giao đất dịch vụ, Sở TN&MT tiếp tục rà soát, chủ trì phối hợp với các quận, huyện liên quan tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án xử lý, giải quyết, tháo gỡ, báo cáo UBND TP, Bộ Tài nguyên và môi trường theo quy định trong tháng 4/2023.
Đối với việc giải quyết đất dịch vụ tại huyện Mê Linh, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và môi trường, UBND Thành phố, giao sở Tài nguyên và môi trường, Thanh tra Thành phố tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện việc giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân, không để xảy ra tiêu cực.
Về công tác thanh tra, xử lý các dự án ngoài ngân sách, sử dụng đất, chậm tiến độ, khẩn trương hoàn thành công tác hậu kiểm, thống kê, phân loại và xử lý từng dự án cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc, rõ đầu mối, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ tham mưu UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo, phân công các Sở, ngành Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện, không báo cáo đề xuất chồng chéo các nội dung mà UBND Thành phố đã phân công, giao nhiệm vụ cho các đơn vị khác.
Lập danh sách, đề xuất, chủ trương xử lý, quyết định thu hồi đối với các dự án chưa triển khai thực hiện (đặc biệt là các dự án có quy mô sử dụng đất lớn). Hướng dẫn, tháo gỡ, tham mưu, dự thảo Văn bản của UBND TP chỉ đạo về các biện pháp đẩy nhanh, xử lý dứt điểm, khắc phục các vi phạm theo Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước đối với việc: Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, nông nghiệp công ích, đất công thuộc trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã và UBND các phường, xã, thị trấn.
Về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông đề nghị Sở TN&MT căn cứ Quyết định phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội năm 2023 để tổ chức đấu giá các mỏ cát theo quy định đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án trên địa bàn Thành phố; Khẩn trương phối hợp, hướng dẫn Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Thành phố rà soát xác định vị trí, khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu san lấp và bãi đổ thải phục vụ thi công Dự án ĐTXD đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời báo cáo UBND TP đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Dự án xây dựng tổng thể hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của TP Hà Nội, tiến độ thực hiện dự án chậm nhiều so với kế hoạch. Đây là một trong những nội dung kiểm điểm sâu năm 2022 của Ban Giám đốc, Đảng ủy Sở TN&MT. Ban Giám đốc Sở TN&MT cần xác định rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp cụ thể để tập trung thực hiện; phối hợp chặt chẽ với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan để được hướng dẫn, hỗ trợ, đảm bảo hoàn thành trong năm 2023.
Đối với các nội dung kiểm điểm sâu năm 2022 theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy, UBND Thành phố, Sở TN&MT ban hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc Kế hoạch khắc phục cụ thể, định kỳ báo cáo theo quy định.