KTĐT - Sáng 15/4, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2011 với chủ đề "Phát triển Toàn diện: Chương trình nghị sự chung và các thách thức mới" đã khai mạc tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Hơn 1.400 nhà lãnh đạo chính trị, doanh nghiệp và giới học giả từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự diễn đàn, trong đó có Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-sik, Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Zapatero và Thủ tướng Ukraine Mikola Azarovand...
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch nước chủ nhà Hồ Cẩm Đào kêu gọi các nước châu Á thay đổi mô hình phát triển kinh tế của mình phù hợp với các xu hướng toàn cầu, tái cấu trúc nền kinh tế, hình thành khả năng cải tiến khoa học và công nghệ, và phát triển nền kinh tế xanh vì sự phát triển và ổn định chung của châu Á.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh bước vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI và trong bối cảnh xu hướng đa cực và toàn cầu hóa về kinh tế ngày càng sâu sắc hơn, châu Á đang đứng trước một điểm khởi động mới trong quá trình phát triển của mình.
Ông khẳng định: "Người dân châu Á là người cùng một nhà, cùng chia sẻ một nhiệm vụ là thúc đẩy sự phát triển chung và xây dựng một châu Á phát triển hài hòa." Vì vậy, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi các nước chia sẻ các cơ hội phát triển và cùng nhau đối phó với các thách thức. Ông cũng đề nghị các quốc gia châu Á tôn trọng sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy quan hệ láng giềng tốt.
Diễn đàn năm nay sẽ tập trung thảo luận hơn 20 chủ đề, như hiện trạng và triển vọng phát triển kinh tế hậu khủng hoảng, củng cố vai trò của Nhóm Các nước phát triển và mới nổi (G-20), cải cách hệ thống tài chính quốc tế, giám sát tài chính tại châu Âu và Mỹ, các dòng vốn đầu tư, kế hoạch 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc và sự phát triển của một số ngành công nghiệp đặc thù...
Diễn đàn Châu Á Bác Ngao chính thức thành lập năm 2001, như một tổ chức khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với thời gian, diễn đàn này đã trở thành một trung tâm kinh tế quốc tế lớn, không thua kém Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ.
Những năm gần đây, diễn đàn được nhắc tới như một "Davos của châu Á," nhấn mạnh ý nghĩa ngày càng lớn của hội nghị này trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế và tài chính./.