Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng tài chính, ngân hàng nhóm G7

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mục tiêu của hội nghị Bộ trưởng tài chính, ngân hàng nhóm G7 là xem xét biện pháp giúp duy trì đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới.

KTĐT - Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho biết mục tiêu của hội nghị là xem xét các biện pháp giúp duy trì đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh trên thị trường tài chính có những xáo trộn mới.

Sáng 6/2 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) đã chính thức khai mạc tại Iqaluit, miền cực Bắc Canada, cách vòng cung Bắc Cực khoảng 300km.

Chủ trì hội nghị hai ngày này, Bộ trưởng Tài chính Canada Jim Flaherty cho biết mục tiêu của hội nghị là xem xét các biện pháp giúp duy trì đà phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới trong bối cảnh trên thị trường tài chính có những xáo trộn mới.

Ông nêu rõ các chủ đề trong hội nghị sẽ là sự hồi phục không vững chắc của kinh tế toàn cầu, tình trạng nợ công tăng vọt tại các nước khu vực đồng euro cùng các quy định ngân hàng, tỷ giá hối đoái và việc xóa giảm nợ cho Haiti.

Ngoài ra, lãnh đạo ngành tài chính và ngân hàng G7 cũng sẽ xem xét thời gian thích hợp để ngừng các gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế thoát khủng hoảng cũng như những biện pháp cân đối tổng khoản nợ của các nước, hiện đã lên tới hơn 30.000 tỷ USD.

Vấn đề định giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng là một trong những nội dung chính được bàn thảo.

Bộ trưởng Flaherty khẳng định đây không chỉ là là vấn đề của nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) mà còn là nỗi quan ngại của các nước công nghiệp phát triển phương Tây.

Nhiều nước cho rằng đồng Nhân dân tệ đang được định giá thấp hơn giá trị thực so với đồng USD, tạo nên lợi thế cạnh tranh của hàng hóa của Trung Quốc khi xuất ra nước ngoài, khiến thặng dư thương mại của nước này với phương Tây tăng mạnh trong những năm qua. Riêng năm 2009, con số này là 196,1 tỷ USD.

Tình trạng nợ công tăng vọt tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khiến chính giới và các nhà đầu tư lo ngại kịch bản Hy Lạp sẽ lặp tại hai nước này.

Hy Lạp hiện đang được đặt dưới sự giám sát chưa từng có của Liên minh châu Âu (EU) và nỗ lực cắt giảm chi tiêu để giảm nợ công và mức thâm hụt ngân sách khổng lồ, tương đương với 12,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2009.

Mức thâm hụt của Bồ Đào Nha trong năm qua là 9,3% GDP, cao nhất trong hơn 3 thập kỷ qua.

Ngoài Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các nước thành viên (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và nước chủ nhà Canada), tham dự hội nghị G7 lần này còn có đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Ủy ban châu Âu.

Bên lề hội nghị, cùng ngày 5/2, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Naoto Kan, thảo luận về vai trò của việc tái cân bằng và nỗ lực chung nhằm duy trì và thúc đẩy tiến trình phục hồi của nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính.

Lãnh đạo ngành tài chính hai nền kinh tế lớn của thế giới cũng đề cập cuộc cải cách tài chính tổng thể trong khuôn khổ hợp tác với G7, G20 và Quỹ Bình ổn Tài chính./.