Khai mạc Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 ở Đà Nẵng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã chính thức khai mạc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Hội nghị.

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương), với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 6-11/11/2017, sáng 11/11, Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã chính thức khai mạc. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì Hội nghị. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang (giữa) phát biểu tại phiên họp. 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đón Trưởng đoàn 21 nền kinh tế thành viên APEC, gồm: Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull; Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah; Thủ tướng Canada Justin Trudeau; Tổng thống Chile Michelle Bachelet; Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Trưởng đặc khu Hong Kong - Trung Quốc Carrie Lam; Tổng thống Indonesia Joko Widodo; Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In; Thủ tướng Malaysia Najib Razak; Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto; Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern; Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill; Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski; Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte; Tổng thống Nga Vladimir Putin; Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long; Trưởng đoàn Đài Bắc – Trung Hoa Tống Sở Du; Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha; Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. 
Ngay sau phiên khai mạc, lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC đã tiến hành các phiên họp kín. Tại phiên họp kín thứ nhất với chủ đề về “Tăng trưởng sáng tạo, phát triển bao trùm và việc làm bền vững” đã được bà Christine Lagarde – Giám đốc điều hành quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra những chia sẻ, đánh giá về kinh tế thế giới cũng như khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Triển vọng và thách thức đặt ra để kinh tế phục hồi vững chắc hơn và bước sang giai đoạn tăng trưởng mới, từ góc độ định chế tài chính quốc tế quan trọng hàng đầu đưa ra các gợi ý về cơ chế chính sách về các động lực mới để Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là đầu tàu tăng trưởng và liên kết trong thời gian tới, trong đó có ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề “Phát triển bao trùm”.