Những con số tăng trưởng ấn tượng
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong 16 FTA, có 12 FTA đã ký kết và có hiệu lực, 1 FTA đã kết thúc đàm phán và rà soát pháp lý phục vụ phê chuẩn (FTA Việt Nam - EU) và 3 FTA khác đang trong quá trình đàm phán, gồm: RCEP (ASEAN+6- Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand); Việt Nam - EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein) và Việt Nam - Israel. Đến nay, tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng rất cao như: Chile (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, đạt 28,9%/năm); Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, đạt 35,6%/năm); Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, đạt 29,2%/năm) và Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, đạt 20,9%/năm)…
Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng có sự chuyển dịch sang các nước có FTA và có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Liên minh Kinh tế Á Âu. Thông tin về kim ngạch sử dụng các loại Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi theo FTA, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho hay, riêng năm 2018 đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Đáng chú ý, một số thị trường mới trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2019, Canada tăng 43,4% (đạt 1,18 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 41,4%, túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 21,5%. Mexico tăng 19,2% (đạt 497 triệu USD), trong đó, thủy sản tăng 31,7%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 53,4%, dệt may tăng 26,6%, giày dép tăng 18,9%...Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩuThời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng DN đã nỗ lực tổ chức triển khai nhiều giải pháp để tận dụng cơ hội mang lại từ các FTA. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, nhằm tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ quá trình hội nhập, Bộ Công Thương đang tham mưu với Chính phủ và chủ động cùng các bộ ngành, địa phương, hiệp hội DN tập trung hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho DN xuất khẩu sang thị trường các nước FTA nói chung và các nước thành viên CPTPP nói riêng. Đặc biệt là đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp C/O, tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam trước rủi ro của những vụ kiện chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài củng cố, tăng cường công tác thông tin, cung cấp cho DN các phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương kiến nghị Bộ NN&PTNT thực hiện quyết liệt công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch động thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nông, lâm, thủy sản.
Để vượt qua thách thức, sức ép từ hội nhập thì vấn đề cấp bách đặt ra là chúng ta phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. DN Việt phải thay đổi tư duy kinh doanh thích nghi với bối cảnh mới, tích cực tìm hiểu, nắm bắt thông tin và linh hoạt trong việc tiếp cận, tận dụng cơ hội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh |