Khan hiếm chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phim truyền hình Việt bắt đầu trở lại thời kỳ cuốn hút khán giả. Nhiều gameshow dành cho người lớn như Giọng hát Việt, Bước nhảy ngàn cân… đang đình đám, song các chương trình dành cho khán giả dưới 15 tuổi ngày càng thiếu hụt so với các năm trước.

 Bộ phim hoạt hình hiếm hoi trình chiếu trong mùa Hè 2018.
Mọi kênh đều bỏ ngỏ
Đang là thời điểm nghỉ hè của trẻ, nhưng các bậc phụ huynh đều giật mình khi theo dõi truyền hình thấy thật thiếu lựa chọn cho thiếu nhi. VTV đầu tư kênh truyền hình Bi Bi dành cho thiếu nhi, nhưng không có chương trình nào đặc biệt chào hè. Loanh quanh vẫn là một số chương trình đã phát sóng 3 năm nay như: Nhảy cùng Bi Bi, Xúc xắc Lúc lắc…

Phim hoạt hình chiếu trên các kênh đều là phim ngoại. Hãng phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim, cả truyền hình và điện ảnh; nhưng thỉnh thoảng đến dịp lễ, Tết, khán giả nhí mới có cơ hội được xem.
Phó Giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam - NSƯT Phạm Ngọc Tuấn than thở: “Phim hoạt hình Việt Nam chủ yếu sản xuất trong khoảng 10 phút vì chưa có điều kiện làm dài. Trong khi phim hoạt hình nước ngoài có thời lượng như phim điện ảnh, hình ảnh nhân vật bắt mắt với những series dài tập. Không chỉ phương Tây mà ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ cũng đều có những nhân vật hoạt hình để có thể sản xuất được nhiều phần. Việt Nam chưa làm được điều đó”.

Lướt qua sóng VTV3 cũng chỉ thấy lác đác một vài chương trình dành cho thiếu nhi như: Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí… Hầu hết các chương trình đều mua bản quyền từ nước ngoài, hiếm có chương trình “made in Vietnam”. Theo nhà báo Diễm Quỳnh - Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, ngoài những nguyên nhân vĩ mô, chính sách và đầu tư truyền thông cho trẻ em, còn do nhà nhà sản xuất và đài truyền hình “đã có khoảng thời gian dài hài lòng với những gì đang có dành cho trẻ em”.

Khó đủ bề

Hiện nay, Hãng phim TFS (Hãng phim Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) là một trong những đơn vị hiếm hoi một năm sản xuất vài chương trình, phim hoạt hình cho trẻ em; mà từ ý tưởng, cách dàn dựng hoàn toàn là của người Việt. Tuy nhiên, theo đại diện của TFS, đơn vị này cũng bắt đầu nản với chiến lược đầu tư phim cho thiếu nhi. Bởi vì yêu cầu một bộ phim thiếu nhi là kịch bản hay, hóm hỉnh, mang tính giáo dục cao, có chất lượng. “Làm phim cho thiếu nhi khó gấp nhiều lần làm phim cho người lớn” – đại diện Hãng TFS chia sẻ.

Thống kê cho thấy, số lượng kịch bản đạt yêu cầu những năm qua gửi về các hãng phim chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Đó là chưa kể, nhà sản xuất thấy đạt, nhưng khi thực hiện và trình chiếu vẫn không thu hút được trẻ nhỏ. “90% tác giả kịch bản là người lớn, nên đòi hỏi sự nhập vai của người lớn vào trẻ nhỏ. Tác giả kịch bản phải nhìn mọi việc qua lăng kính của thiếu nhi, nói được tiếng nói đúng lứa tuổi. Đây là những thách thức dành cho chúng tôi” - nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh, tác giả của các phim thiếu nhi như: “Mùa hè sôi động”, “Xúc xắc mùa thu” bày tỏ.

Vất vả là vậy, nhưng hiện nay xin tài trợ cho các dự án thiếu nhi rất khó khăn. Thời gian qua, duy nhất có chương trình Giọng hát Việt nhí và Đồ rê mí hút được quảng cáo. Các chương trình này tuy gắn chữ nhí, do thiếu nhi là nhân vật chính, nhưng số lượng khán giả phần lớn là người lớn. Chính vì vậy mới có chuyện bé 7 tuổi đóng vai “Thị Mầu lên chùa”, hoặc cố diễn khóc như mưa khi thể hiện bài “Trong mơ gặp mẹ”…
Trải qua nhiều mùa tổ chức, các gameshow này cũng bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn thu hút quảng cáo. Bài toán tiếp tục tổ chức đang được các đơn vị truyền thông đặt lên bàn cân. Phim hoạt hình thì tuyệt nhiên không thu hút được tài trợ. Chính vì các đơn vị Nhà nước không có chiến lược đầu tư lâu dài cho mảng các chương trình thiếu nhi, phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị tư nhân nên năm 2018 đã xảy ra tình trạng khan hiếm đột xuất mà chưa có biện pháp tháo gỡ.