Chỗ ở không đảm bảo
Anh Nguyễn Hồng Cơ (quê Thanh Hà, Hải Dương) cho biết, trước đây, vợ chồng anh làm việc trong Nhà máy Hanel tại KCN Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội) phải đi thuê trọ. Do gặp khó khăn về chỗ ở và điều kiện học tập của con nhỏ (trái tuyến) nên vợ anh đã phải nghỉ việc đưa con về quê sống, còn anh chuyển sang chạy Grab bike. “Thuê nhà ở chi phí cao, còn phòng trọ nhỏ không đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho gia đình” - anh Cơ chia sẻ.
Anh Cơ chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp từ nông thôn ra TP làm công nhân trong các KCN gặp khó khăn về chỗ ở. Theo số liệu của Tổng Cục thống kê (Bộ KH&ĐT), quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2020, tổng số công nhân, người lao động tại các KCN đạt khoảng 7,2 triệu người.
Với số lượng người trên sẽ có khoảng 4,2 triệu công nhân, người lao động tại các KCN cả nước có nhu cầu về chỗ ở, tương đương với 33,6 triệu mét vuông nhà ở. Trong số này, lao động Việt Nam chiếm khoảng 98%, còn lại là lao động nước ngoài.
Trong khi đó, tại các KCN hiện mới chỉ có khoảng 20% công nhân, người lao động có chỗ ở ổn định. Đa số công nhân ngoại tỉnh làm việc tại các KCN đều phải thuê nhà trọ, có diện tích chật hẹp (bình quân từ 2 - 3m2/người), điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo.
Chỗ ở tạm bợ, không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu đã gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của công nhân và làm xáo trộn tình hình trật tự, an toàn xã hội tại nhiều KCN. Mặt khác, mức thu nhập hàng tháng của công nhân lao động làm việc tại các KCN còn thấp, bình quân chỉ từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng nên không đủ điều kiện để thuê nhà tại những địa điểm có dịch vụ tốt.
Thời gian qua, Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực tài chính để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về nhà ở cho người thu nhập thấp và đối tượng công nhân, người lao động trong các KCN. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, cả nước sẽ cần khoảng 12 triệu mét vuông nhà ở dành cho công nhân và người có thu nhập thấp nhưng đến thời điểm hiện tại mới hoàn thành được khoảng 33% mục tiêu (khoảng 4,1 triệu mét vuông).
KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội cho biết, các DN bất động sản chưa mặn mà với sản phẩm nhà ở dành cho người thu nhập thấp, mặc dù đã được Chính phủ cho nhiều ưu đãi. “Lợi nhuận thấp, thời gian thu hồi vốn lâu là nguyên nhân khiến cho các DN bất động sản chưa mặn mà với dòng sản phẩm này. Vì vậy, đã dẫn đến tình trạng khan hiếm nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp như hiện nay” - KTS Trần Huy Ánh cho hay.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 43/2019/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 26/8/2019) về ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN, KKT.
Theo đó, các khoản chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại KCN, KKT của DN có dự án đầu tư trong KCN, KKT được tính khấu hao tài sản, giảm trừ chi phí, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN. Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại KCN, KKT được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, trước đây, khi Chính phủ thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đã hỗ trợ rất tốt cho chương trình phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, thu hút được nguồn lực tài chính lớn trong xã hội. Nhưng đến thời điểm hiện tại, khi gói hỗ trợ trên đã hết, các gói tài chính khác với quy mô nhỏ hơn đã làm giảm đi sự hấp dẫn của thị trường vào phân khúc này.
Do vậy, Chính phủ nên xem xét, nhanh chóng triển khai cơ chế bù lãi suất tiền vay ngân hàng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, với mức dự tính khoảng 3%/năm, để có thể tăng cường nguồn tài chính từ vốn đầu tư ngoài ngân sách.
“Bên cạnh đó cần phải tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt quy hoạch dự án đầu tư, cấp phép đầu tư... cho các DN” - ông Nguyễn Trần Nam nói.
Việc phát triển nhà ở cho công nhân chưa được như kỳ vọng là do thiếu quỹ đất để đầu tư xây dựng tại vị trí thuận lợi. Nhiều KCN hình thành nhưng chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân. Mặt khác, đầu tư nhà ở cho công nhân thuê đòi hỏi chi phí đầu tư lớn và dài hạn, trong khi lãi suất vay để đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn dài nên các DN không mặn mà. Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà |