Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, tình hình thương mại thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn...Trong bối cảnh đó, Việt Nam - một nền kinh tế mở với 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đứng trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu sang các nước đối tác FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi.
Thông tin của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) từ năm 2000 đến nay, cơ quan này đã phát hiện một loạt sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc mượn danh Việt Nam để xuất khẩu sang EU, Mỹ. Các vụ việc được phát hiện qua điều tra chống bán phá giá chính thức, như xe đạp vào năm 2000, giày mũ da 2008, bật lửa 2004, kẽm ô xít 2003… Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tính đến hết tháng 9/2019, đã có 154 vụ việc phòng vệ thương mại được khởi xướng điều tra bởi 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại (USAID) Claudio Dordi cho biết: gian lận xuất xứ và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại không những gây tổn hại cho quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và những đối tác quan trọng khác, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới những doanh nghiệp tuân thủ tốt. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ bị chậm trễ khi thực hiện thủ tục xuất khẩu tại Hoa Kỳ, đồng thời hàng hoá của Việt Nam sẽ bị áp thuế cao hơn.
Nhận thức được các nguy cơ và rủi ro trên nên thời gian qua các bộ, ngành như Tài Chính, Hải quan, Công Thương…đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này. Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể hóa Quyết định 824/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan đưa ra các giải pháp cụ thể để chống lại vấn nạn giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.