Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khẩn trương tổng hợp kiến nghị của người lao động gửi tới hội nghị đối thoại

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội vừa có văn bản gửi LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở yêu cầu tổng hợp ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động phục vụ Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố năm 2023.

Công nhân đặt câu hỏi tới lãnh đạo TP tại Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2022 (Ảnh: Công Thọ).
Công nhân đặt câu hỏi tới lãnh đạo TP tại Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội với công nhân lao động Thủ đô năm 2022 (Ảnh: Công Thọ).

Theo Kế hoạch tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP với Công nhân lao động (CNLĐ) Thủ đô năm 2023, thời gian diễn ra Hội nghị dự kiến vào ngày 12/5 tại Khu công nghiệp Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Thành phần tham dự khoảng 350 đại biểu, trong đó có 200 công nhân lao động; lãnh đạo 15 doanh nghiệp và 30 chủ tịch Công đoàn cơ sở trong các khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội; đại diện các sở, ban ngành TP.

Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND TP với CNLĐ Thủ đô năm 2023 là dịp để lãnh đạo TP nắm bắt, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm phát huy vai trò của đội ngũ CNLĐ trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; Góp phần tăng năng suất lao động, phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp nhận, chỉ đạo giải quyết kịp thời những kiến nghị, đề xuất của tổ chức Công đoàn, CNLĐ với lãnh đạo TP về việc làm, đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ; Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Thông qua việc tổ chức Hội nghị gặp gỡ đối thoại khẳng định được sự quan tâm của lãnh đạo TP, các cấp, các ngành đối với đội ngũ CNLĐ trên địa bàn TP, lực lượng tiên phong đi đầu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước.  

Đồng thời, phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, Chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với tổ chức Công đoàn và công nhân, người lao động.

Để hội nghị đạt kết quả cao, LĐLĐ TP yêu cầu LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương triển khai, tổng hợp lấy ý kiến, kiến nghị, đề xuất của CNLĐ và cán bộ Công đoàn với lãnh đạo TP tại hội nghị.

Nội dung các ý kiến, kiến nghị tập trung vào những vấn đề như: Những khó khăn, vướng mắc về tình hình đời sống, việc làm, việc thực hiện các chế độ chính sách đối với công nhân lao động; Việc giải quyết các thủ tục hành chính, quản lý nhà nước có liên quan đến CNLĐ, doanh nghiệp về lĩnh vực lao động, chế độ bảo hiểm xã hội, giáo dục, đảm bảo an ninh trật tự;

Cơ chế khuyến khích, động viên, phát huy vai trò đội ngũ công nhân giỏi Thủ đô, CNLĐ có trình độ chuyên môn tay nghề cao đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô và đất nước; Các ý kiến, kiến nghị về hạ tầng, nhà ở, nhà trẻ, chăm sóc sức khỏe, đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, con CNLĐ,...

LĐLĐ yêu cầu các đơn vị tổng hợp ý kiến, kiến nghị gửi về LĐLĐ TP Hà Nội trước ngày 15/4/2023 để tổng hợp báo cáo và phục vụ Hội nghị gặp gỡ, đối thoại của TP.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, để chuẩn bị cho Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo TP với CNLĐ, Công đoàn các Khu công nghiệp và chết xuất Hà Nội đang tập hợp đề xuất, kiến nghị, mong muốn của CNLĐ để gửi tới Chủ tịch UBND TP. Qua tập hợp ban đầu cho thấy, ý kiến của công nhân đang tập trung vào một số vấn đề như: Mong TP có chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho CNLĐ, có chính sách hỗ trợ NLĐ cũng như doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, CNLĐ kỳ vọng TP có những chính sách khi thành lập khu công nghiệp mới sẽ phê duyệt tổng thể các thiết chế văn hoá và công đoàn như nhà ở, trường học, bệnh viện-đặc biệt khu vui chơi giải trí cho CNLĐ.