Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ - ông Trần Hồng Hà nói: Việc lấy ý kiến nhân dân là khẳng định vai trò của đất đai trong mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và nhân dân; phát huy trí tuệ, đóng góp của nhân dân, đưa những ý kiến, yêu cầu đó vào Luật đối với vấn đề quản lý đất đai.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu hết sức nghiêm túc lắng nghe để các ý kiến đóng góp của nhân dân, của các tổ chức đoàn thể được tiếp thu và đưa được vào Luật.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề đất đai tại miền Đông, miền Tây hết sức nóng bỏng. Làm sao để giải phóng, tạo đất đai đóng góp tốt hơn, hiệu quả hơn cho xã hội. Đặc biệt, chính sách đất đai, quá trình hình thành đất đai tại miền Đông, miền Tây có rất nhiều vấn đề phát triển để tạo ra định hướng, đảm bảo các yếu tố tự nhiên, văn hóa cho các vùng miền, đảm bảo tính đa dạng, giao thoa.
"Hội nghị tập trung đóng góp, những chương, những điều cụ thể hóa chính sách, Nghị quyết 18. Quy định những chương, những điều, gắn với điều kiện tự nhiên và yếu tố lịch sử phát triển của miền Đông, miền Tây như vấn đề đất nông nghiệp, hạn điền, chuyển dịch đất đai, thu hồi và giải phóng mặt bằng tái định cư, đền bù hỗ trợ"… Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị.
Đóng góp ý kiến dự thảo luật tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ khoản 3 và khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tránh sự chồng chéo. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa thêm nội dung điều kiện thu hồi đất giao khoán cho các nông trường viên tại các nông, lâm trường để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách cải tạo các nông, lâm trường tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, nhằm đưa đất vào sử dụng một cách có hiệu quả nhất.
Hầu hết đại biểu đề nghị cần quy định rõ tiêu chí nào để so sánh vấn đề được quy định tại khoản 2 Điều 89 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Bên cạnh đó, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110) theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp - là những người không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu. Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập. Trong khi đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân. Như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ.
Cạnh đó, nhiều đại biểu đều có ý kiến làm rõ điểm b khoản 1 thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai, có nội dung: “Người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất mà tiếp tục vi phạm.”. Việc xác định “cố ý” hay “không có ý” là rất khó khăn. Dự thảo luật cần xem xét bỏ cụm từ “cố ý” tại khoản 1, Điều 80 và bổ sung cụm từ “trừ trường hợp hủy hoại đất do bất khả kháng” cho thống nhất với Luật xử lý vi phạm hành chính.
Ông Lê Thanh Nhàn - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang nêu ý kiến, cần bổ sung vào Điều 78 nội dung Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án thực hiện cơ chế thỏa thuận về quyền sử dụng đất (theo Điều 128) mà chủ đầu tư đã thỏa thuận được phần lớn đất trong phạm vi dự án, chỉ còn rất ít không thể thỏa thuận được, để tạo điều kiện cho đầu tư triển khai dự án (kiến nghị trên 80% diện tích đất dự án đã thỏa thuận).
Còn Phó Chủ tịch UBND Tiền Giang - ông Phạm Văn Trọng đề nghị: Nên bỏ cụm từ “không phải là đất ở” tại điểm h, i khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 78, vì đối với khu vực phía Nam, là một dự án thì có nhiều loại đất và không thể không có đất ở nên bỏ bỏ cụm từ “không phải là đất ở” để thực hiện thu hồi đất thuận lợi trong triển khai dự án phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, cần làm rõ công tác đo đạc xác định diện tích của từng người dân trong dự án trước hay sau thông báo thu hồi đất để đảm bảo trình tự thủ tục đúng theo quy định. Vì thời gian qua, áp dụng Luật Đất đai 2013 thì khi triển khai dự án thì đo đạc trước để xác định diện tích và thông báo thu hồi đất cho người dân.