Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khánh Hòa: Vụ 655 học sinh iSCHOOL Nha Trang bị ngộ độc làm "nóng" nghị trường

Trung Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đề nghị Giám đốc Sở Y tế đưa ra các giải pháp để không còn ngộ độc thực phẩm tập thể, cơ sở y tế không bị quá tải, bất ngờ… như trường iSCHOOL Nha Trang vừa qua.

Ngày 9/12, tại phiên chất vấn HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII, bà Phạm Thị Xuân Trang - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã chất vấn ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế về trường hợp 655 ca ngộ độc thực phẩm tại iSCHOOL Nha Trang khiến 1 học sinh tử vong.

Bà Trang đề nghị Giám đốc Y tế Sở trả lời việc kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) như thế nào? Có thường xuyên không? Có tập huấn cho các cán bộ y tế để có sự chủ động khi xảy ra ngộ độc tập thể? Trách nhiệm cụ thể của Giám đốc Sở trong trường hợp này? Biện pháp gì để không còn ngộ độc thực phẩm tập thể, cơ sơ y tế không bị quá tải, bất ngờ…

Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa trả lời chất vấn đại biểu. 
Ông Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa trả lời chất vấn đại biểu. 

Ông Bùi Xuân Minh cho biết, việc bảo đảm ATVSTP có nhiều văn bản, phân công nhiệm vụ, phân cấp cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Đối với công tác kiểm tra bếp ăn tập thể tại iSCHOOL Nha Trang, theo hợp đồng với hộ kinh doanh để tổ chức chế biến thực phẩm tại nhà trường sẽ do UBND Nha Trang quản lý.

Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, sau khi nhận thông tin Sở đã chỉ đạo điều tra nguyên nhân; cơ sở điều trị khám, cấp cứu, điều trị tốt nhất cho 665 em đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra điều trị, định hướng điều trị theo hướng nhiễm khuẩn Salmonella; kiểm tra để trường học trở lại…

Cũng theo ông Minh, thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục phối hợp các ngành để tăng cường kiểm tra ATVSTP nhất là ở các trường học, kiểm tra cơ sở chế biến thực thẩm; việc kiểm tra ATVSTP xác định là thường quy.

“Điểm qua việc ngộ độc ở iSCHOOL Nha Trang, Sở y tế nhận thấy bản thân nhà trường, cơ sở kinh doanh phải báo ngay cho cơ quan chủ quản, ngành y tế để phối hợp đồng bộ vì sự phối hợp này ở iSCHOOL Nha Trang bị chậm. Trường không báo lên, nên ngành y tế khi biết sự việc thì các em đã nhập viện rất nhiều. Việc phối hợp rất quan trọng để bảo đảm sức khỏe, chuyên môn…” - ông Bùi Xuân Minh cho biết.

Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Hồ Văn Mừng - Bí thư Thành ủy TP Nha Trang cho rằng, cần phân định rõ ràng sau sự việc đáng tiếc ở iSCHOOL Nha Trang. Vì qua báo cáo, việc quản lý suất ăn bán trú với số lượng trên 200 suất là của Sở Y tế.

“Ở đây có sự nhầm lẫn, Phòng y tế TP Nha Trang chỉ cấp giấy cho căn tin quầy giải khát của iSCHOOL Nha Trang. Nói ra vấn đề này không phải là đẩy trách nhiệm mà phân định rõ trách nhiệm của đơn vị chủ trì và phối hợp. Khi vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra tại iSCHOOL Nha Trang, TP đã chỉ đạo phối hợp xử lý nhưng không thuộc trách nhiệm của TP Nha Trang vì hộ kinh doanh ký hợp đồng với nhà trường, TP Nha Trang không cấp phép cho việc này” – ông Hồ Văn Mừng cho biết.

Theo ông Mừng, cần xem lại lỗ hổng quản lý chỗ nào? Đơn vị nào quản lý, thực hiện nhiệm vụ ra sao để đảm bảo chất lượng bán trú.

Vụ ngộ độc thực phẩm tại  iSCHOOL Nha Trang đã có 655 trường hợp nhập viện.
Vụ ngộ độc thực phẩm tại  iSCHOOL Nha Trang đã có 655 trường hợp nhập viện.

“Lâu nay, các trường đều ký hợp đồng với các hộ kinh doanh, vấn đề chất lượng có đảm bảo không? Ngành giáo dục, y tế có đủ điều kiện để theo dõi không? Cần quy định cụ thể? Như hiện nay, trường học không có chuyên gia về dinh dưỡng, dinh dưỡng cho các lứa tuổi hoàn toàn khác nhau. Vậy thì thời gian sắp tới, chúng ta cần có yêu cầu cụ thể về chuyên gia dinh dưỡng không? Cần có những yêu cầu cụ thể đơn vị ký hợp đồng phải đảm bảo các tiêu chuẩn nào? Cái chúng ta cần làm là đưa ra các giải pháp để tránh các trường hợp đáng tiếc tái diễn” - ông Hồ Văn Mừng cho biết.

Đúc kết vấn đề, ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra 4 yêu cầu cho ngành y tế.

“Thứ nhất, phản ứng trước tình huống, ngộ độc diễn ra hàng loạt có cần diễn tập cho ngành y tế, giáo dục hay không; Thứ hai, trách nhiệm của các ngành, địa phương khâu nào trước, khâu nào sau phải rõ ràng; Thứ ba, việc tiếp nhận bệnh nhân số đông như vậy làm sao đảm bảo đúng tuyến, đúng luồng; Thứ tư, quy định về điều kiện, tiêu chuẩn bếp ăn được hoạt động như thế nào để không để tình trạng tương tự xảy ra” – ông Trần Mạnh Dũng nói.