Nghịch lý:

Khát vốn, doanh nghiệp vẫn mạnh tay tất toán trước hạn nghìn tỷ đồng trái phiếu

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin từ Bộ Tài chính, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu DN (TPDN).

Tăng quản lý, doanh nghiệp mới chủ động công bố thông tin bất thường

Thông báo về tình hình thị trường TPDN riêng lẻ 6 tháng năm 2022 của Bộ Tài chính phát ra ngày 25/7 cho biết, sau những hoạt động tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi.

Một số DN phát hành trái phiếu đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu. Khối lượng phát hành cũng giảm dần từ tháng 2 đến tháng 4 và đã tăng trở lại trong thời gian gần đây.

Khát vốn, doanh nghiệp vẫn mạnh tay tất toán trước hạn nghìn tỷ đồng trái phiếu (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Khát vốn, doanh nghiệp vẫn mạnh tay tất toán trước hạn nghìn tỷ đồng trái phiếu (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Về khối lượng phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4, cụ thể khối lượng phát hành trong tháng 1 là 55,9 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành trong tháng 3 là 48,8 nghìn tỷ đồng, tháng 4 là 30,6 nghìn tỷ đồng.

Từ tháng 5, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5 là 44,2 nghìn tỷ đồng, khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng.

Về hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, trong Quý I/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, khối lượng mua lại trước hạn trong Quý II/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng TPDN.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng

Phía Bộ Tài chính cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cá nhân một số vấn đề để đầu tư trái phiếu một cách an toàn, hạn chế tối đa rủi ro. Theo đó, qua công tác kiểm tra, giám sát thị trường, Bộ Tài chính tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường TPDN riêng lẻ cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN trước khi quyết định đầu tư và lưu ý các nội dung cụ thể.

Một là, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Theo đó, nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ và chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Hai là, theo quy định của pháp luật hiện hành, TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.

Khác với TPDN chào bán ra công chúng được UBCKNN cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép. Do đó, nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Ba là, nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc thẩm định/đánh giá về tình hình tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành, do đó không có trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.

Bốn là, bảo lãnh phát hành trái phiếu không phải là bảo lãnh thanh toán trái phiếu. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh thì nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành.

Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư.

Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại).

Năm là, tài sản đảm bảo của trái phiếu doanh nghiệp hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện nay phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán).

Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các kết về bảo đảm của doanh nghiệp phát hành.

Nhà đầu tư cần lưu ý rằng, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Như vậy, trước khi tham gia mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần hiểu rõ quy định pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nghiên cứu các quy định về điều kiện, tài liệu chứng minh và các quy định về xử phạt vi phạm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để đảm bảo mình đủ điều kiện được xác nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ vay, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu.

Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần