Trên một con phố chật hẹp và đông đúc tại Nam Jakarta, “warkop” – viết tắt của “warong kopi” hay cửa hàng cà phê ở Bahasa Indonesia, thu hút một lượng khách hàng ổn định. Cửa hàng nhỏ này là một trong nhiều cửa hàng ở Jakarta bán cà phê 3 trong 1 và các món ăn đơn giản như mì gói và tempeh chiên.
Ông Agus Mulyadi, 42 tuổi, chuyển đến Jakarta từ Tasikmalaya Regency ở Tây Java hơn hai thập kỷ trước nhằm tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Ông ấy đã mở một cửa hàng của mình trong 8 năm qua.
Mì ăn liền là món ăn rất phổ biến ở Indonesia, không chỉ được ăn ở nhà mà còn được ăn ở tại các “warkop”. Mì gói ở đây rất đa dạng hương vị để đáp ứng khẩu vị của mọi người. Như một bữa ăn bình dân, mì gói rẻ, thuận tiện và ngon.
Tuy vậy, công việc kinh doanh tại cơ sở của ông Agus vẫn không được tốt. Vào giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19, mọi người rất sợ phải ăn ở ngoài. Ông Agus đã cố gắng ứng biến với tình hình nhưng mọi việc không hề dễ dàng.
Người bạn cuối tháng
Trong khi đó ở Bangkok, cũng trong thời gian bị phong tỏa do đại dịch COVID-19, ông Ungkool Wongkolthoot bắt đầu quan tâm đến mì ăn liền và số lượng các loại mì trên thị trường.
Sau khi khám phá và tìm nguồn cung ứng của gần 350 loại khác nhau, ông và một đối tác kinh doanh quyết định thành lập một cửa hàng mì gói chuyên dụng trong một trung tâm thương mại.
Một bức tường màu cam sáng trưng bày bao bì mì ăn liền từ khắp châu Á. Các lối đi được phân loại theo xuất xứ mì: Thái, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia...Tại đây, khách hàng có thể lấy các nguyên liệu tươi sống như trứng, hải sản và rau củ làm phụ kiện và mọi thứ đều được chuẩn bị tại các điểm nấu ăn. Cửa hàng của ông Ungkool mở cửa vào cuối năm 2021, trong thời gian đó, việc dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 đang dần được tiến hành.
Mặt hàng chủ lực của Thái Lan là gạo nhưng mì gói là một mặt hàng thiết yếu trong tủ đựng thức ăn của nhiều người vì giá vô cùng rẻ. "Mì gói đã tồn tại trong xã hội Thái Lan từ lâu. Ở đây, chúng tôi coi nó là một người bạn vào cuối tháng", ông Ungkool nói với CNA.
Chiến tranh và lúa mì
Thành phần chính của mì ăn liền là lúa mì, một mặt hàng mà Ukraine sản xuất với sản lượng vô cùng lớn. Tuy vậy, hàng triệu tấn lúa mì, cùng với các loại ngũ cốc khác như ngô và lúa mạch, đã bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine do bị Nga phong tỏa.
Một thỏa thuận gần đây do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sẽ cho phép xuất khẩu trở lại, một động thái mà nhiều người hy vọng sẽ làm giảm giá lương thực nói chung và ngũ cốc nói riêng.
Đối với Indonesia, đất nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, điều này không thể xảy ra một sớm một chiều. Theo số liệu của cơ quan lương thực Liên hợp quốc, Tổ chức Nông lương, Indonesia đã nhập khẩu hơn 10 triệu tấn lúa mì vào năm 2020 - 1/4 trong số đó đến từ Ukraina.
Tình hình của Thái Lan cũng tương tự. Sau Mỹ, Ukraina là nguồn cung cấp lúa mì lớn thứ hai của Thái Lan.
Rào cản chi phí
Ông Agus, chủ một “warkop” ở Jakarta cho biết, giá mì ăn liền đã tăng hơn 20% vào hai tháng trước. Anh không có lựa chọn nào khác ngoài việc thông tin lại tới những khách hàng của mình.
Ông đưa ra một danh sách các con số có vẻ thấp, nhưng đối với một khách hàng, đây cũng là những con số đáng suy ngẫm: "Một tô mì ăn liền thường có giá khoảng 6.000 rupiah (0,40 USD). Bây giờ, nó là 10.000 rupiah (0,66 USD). Thêm một quả trứng và đó là 13.000 rupiah (0,86 USD)".
Các nhà sản xuất thực phẩm cũng tỏ ra quan ngại về một cuộc chiến kéo dài. Ông Adhi Lukman, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Thực phẩm & Đồ uống Indonesia (GAPMMI) cho biết: "Tôi không quá lo lắng về lượng lương thực dự trữ năm nay. Nhưng nếu cuộc chiến này kéo dài, việc gieo trồng vụ mới sẽ khó, sang năm sẽ còn phức tạp hơn, không chỉ về giá cả tăng cao mà còn về nguồn hàng".
Ông Adhi cho biết, ông ước tính giá thực phẩm có thể tăng 5% trong năm tới, gây thêm áp lực lên nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á vốn đã chứng kiến lạm phát đạt 4,35% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 2017.
Quản lý tài chính
Thái Lan cũng đang cảm thấy vô cùng khó khăn. Tỷ lệ lạm phát mới nhất của nước này vượt xa dự báo, ở mức 7,66% , cao nhất trong 14 năm. Chỉ riêng giá thực phẩm đã tăng 6,42% so với năm trước.
Các nhà sản xuất thương hiệu mì ăn liền bán chạy nhất của Thái Lan đã nhiều lần cảnh báo rằng do chi phí sản xuất tăng cao, họ có thể phải tăng giá mặt hàng đựng thức ăn được yêu thích lên 7 baht (0,19 USD) một gói, mức tăng đầu tiên sau 15 năm. Tờ CNA đã liên hệ với các nhà sản xuất mì lớn nhất Thái Lan, tuy vậy tất cả đều từ chối bình luận về vấn đề này.
Tuy vậy, chính phủ Thái Lan lại có quan điểm khác. Họ bác bỏ đề xuất tăng giá của các nhà sản xuất và phân loại mì gói là "mặt hàng thiết yếu". Điều này có hiệu quả giúp “đóng băng” giá bán của nó nhằm bảo vệ người dân khỏi chi phí tăng phi mã.
Các mặt hàng khác trong danh sách này còn bao gồm các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như dầu ăn, trứng, thịt lợn, cũng như vật liệu xây dựng và các sản phẩm nông nghiệp như xi măng và phân bón.
Ông Chakra Yodmani, Phó Vụ trưởng Vụ Nội thương của Bộ Thương mại Thái Lan, bày tỏ sự hiểu biết đối với các công ty và tỷ suất lợi nhuận ngày càng bị thu hẹp của họ, nhưng cũng nói thêm rằng, giống như những người khác, họ cần quản lý tài chính của mình.
Ông cho biết: "Chúng tôi đang yêu cầu các nhà sản xuất hợp tác. Vì vậy, họ có thể cần phải bù đắp khoản tiền đó bằng doanh thu của các sản phẩm vẫn đang bán chạy để tiếp tục hoạt động".
Trở lại cửa hàng mì ăn liền, ông Ungkool không hy vọng rằng giá cả sẽ giữ nguyên trong tương lai gần. Ông nói: "Chúng tôi chưa tăng giá mì ngoại, nhưng tôi hy vọng các nhà cung cấp của chúng tôi (đối với các thương hiệu trong nước) sẽ sớm thông báo cho chúng tôi về những thay đổi". "6 hoặc 7 baht mỗi gói có thể không đủ cho họ".
Chưa có giải pháp tức thời
Tại Indonesia, các nhà chức trách đang tìm hiểu nguồn gốc của vấn đề và xem xét các lựa chọn thay thế cho lúa mì. Một trong những loại cây trồng như vậy là cao lương (lúa miến), có thể phát triển ở nhiều loại đất khác nhau trong nước.
Nhưng cho đến lúc đó, mì gói sản xuất từ lúa mì sẽ vẫn phải được đảm bảo đầy đủ. Cuộc xung đột cách xa nửa vòng trái đất đang ảnh hưởng đến cả những các cửa hàng như “warkop” của ông Agus.
Ông biết không có giải pháp tức thời bất kì nào và mọi thứ đều nằm ngoài tầm tay của ông ấy. "Tôi chỉ hy vọng chiến tranh có thể sớm kết thúc và giá cả sẽ bình thường trở lại", ông Agus nói.