Đến thăm lớp trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh được tổ chức tại Nhà văn hóa thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước ánh mắt chăm chú, say sưa học tập của những "lão nông" nơi đây. Nhiều học viên đã bước qua tuổi 60 nhưng vẫn đến xin học dự thính. Ông Lê Văn Đoàn, Lớp trưởng lớp học nghề chia sẻ: Được học nghề chúng tôi mừng lắm vì được mở mang thêm nhiều kiến thức. Trước đây, chúng tôi trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh theo kinh nghiệm, học tập chắp vá, nay được lĩnh hội kiến thức cơ bản, mọi người đều áp dụng ngay vào vườn nhà mình.
Lớp trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh ở xã Văn Võ (Chương Mỹ) trong giờ thực hành cũng sôi nổi không kém. Tại vườn cây cảnh nhà ông Phạm Văn Bộ, thôn Văn La, 15 học viên của lớp chăm chú dõi theo thầy Vũ Xuân Hải, giảng viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn cách tỉa cành, tạo thế cho cây cảnh. Ông Nguyễn Văn Nguyện phấn khởi: Từ ngày tham gia lớp học nghề, vườn cảnh nhà nào cũng phong quang, cây nào cũng được cắt tỉa gọn gàng, dáng nào ra dáng nấy…
Bên cạnh đó, các lớp dạy nghề trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, chăn nuôi thú y... cũng thu hút đông đảo ND đến học. Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND (Hội ND Hà Nội) Đinh Thị Thủy cho biết, trong số các lớp dạy nghê, nhóm nghề nông được các hộ ND ở nhiều địa phương đăng ký học nhất. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm dạy nghề Hội ND thành phố phối hợp tổ chức dạy nghề cho 710 học viên thời gian 3 tháng. Hội Nông dân các huyện, quận, thị xã phối hợp với Phòng LĐ-TBXH mở 270 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 16.290 học viên là nông dân và con em nông dân. Tổng hợp trong năm, Hội ND thành phố đã đào tạo được 17.000 học viên (đạt 129% kế hoạch).
Một vài hạn chế
Chủ tịch Hội ND Hà Nội Trịnh Thế Khiết cho biết, hầu hết các lớp dạy nghề do Hội ND đứng ra tổ chức đều thu hút đủ số lượng học viên tham dự. Kết thúc lớp học, 100% học viên "sống" được bằng nghề. Điển hình phải kể đến các lớp dạy nghề mộc, làm chổi chít ở Ngọc Mỹ (Quốc Oai); nghề thêu ở Thường Tín; rau an toàn ở Gia Lâm, Hoàng Mai, Thanh Trì... Tuy nhiên, khó khăn nhất trong việc dạy nghề đối với các cấp Hội ND ở Hà Nội hiện nay là Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm ND thuộc Hội ND TP chưa có địa điểm riêng, thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; kinh phí tổ chức các lớp dạy nghề theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn chưa được cấp. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền, tổ chức Hội ở một số địa phương chưa quan tâm tới việc dạy nghề, định hướng nghề cho ND, dẫn đến tình trạng ND không biết phải học gì để nâng cao thu nhập khi đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.
Theo ông Trịnh Thế Khiết, để việc dạy nghề cho nông dân thực sự hiệu quả, cùng với việc tổ chức dạy các nghề dân cần, hỗ trợ kinh phí cho nông dân khi tham gia học nghề, khảo sát kỹ nhu cầu học nghề của nông dân trước khi tổ chức lớp học… thì rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của mỗi LĐNT. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các lớp nghề.
Hà Nội vẫn còn gần 70% số lao động nông thôn (LĐNT) chưa qua đào tạo, do vậy, dạy nghề cho LĐNT nói chung và ND đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp hiện nay rất cần thiết. Thực hiện Đề án "Dạy nghề cho LĐNT đến năm 2020" của Chính phủ, 2 năm qua, Hội ND Hà Nội đã chỉ đạo các cấp Hội tập trung phối hợp với các ban, ngành hữu quan tổ chức khảo sát, nắm bắt chắc nhu cầu học nghề của ND, trên cơ sở đó lập kế hoạch tổ chức dạy nghề cho hiệu quả. |