Khi tổ ấm không đủ lực kéo

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi khi gặp ai, chị cũng phàn nàn là chồng đi ra ngoài quá nhiều. Không chỉ đi làm, tan cơ quan lại la cà ở quán bia với bạn bè đến đêm mới về. Có hôm về rồi, anh cũng nhảy sang hàng xóm chơi cờ tới khuya.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thậm chí, anh luôn lấy lý do gì đó để đến cơ quan cả Chủ nhật, chị hỏi thì bảo là việc nhiều quá, ngày nghỉ làm mới hiệu quả… Thường xuyên vắng mặt trong các bữa ăn gia đình và ngay cả khi vợ ốm, con đau, anh đã vô tình tạo nên một một hố sâu trong tổ ấm của mình và chị cảm thấy mình bất lực trong việc lấp đầy khoảng trống đó.

Một ngày có 24 tiếng thì 16, 17 tiếng chồng chị có mặt ở cơ quan và ngoài đường, dường như những giờ còn lại về nhà chỉ để ngủ. Những hôm chị ốm, rất cần người về sớm để chăm con, nhưng anh vẫn đi tít tắp, 11 giờ đêm mới về. Khi biết vợ ốm, anh thậm chí cũng không có thời gian để hỏi thăm, vì anh về chị đã đi ngủ. Chị gọi điện nhờ mua thuốc, anh mới miễn cưỡng đi mua và khi mang thuốc về thì chị đã tự mua từ bao giờ. Chị cảm thấy mình thật bất hạnh khi có chồng mà cũng như không. Càng sống bên cạnh chồng, chị càng thấy anh không hiểu chị, những nỗi buồn trong tâm hồn cứ lớn dần lên khiến chị cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Chị vẫn  biết rằng đàn ông cần sự nghiệp, phải phấn đấu, phải giao du mở rộng mối quan hệ. Và chị luôn tâm niệm, chồng bận công việc, mình là vợ, cố gắng chia sẻ, chăm sóc chồng hết mức có thể. Nhưng chị có cảm giác rằng dường như anh không hiểu điều đó, chỉ muốn nhanh nhanh chóng chóng xách xe ra khỏi nhà là bát ngát, bao la không còn nhớ gì đến gia đình nữa.

Câu chuyện của chị nhận được nhiều sự đồng cảm. Thực thế, đúng là có nhiều người đàn ông quá thờ ơ với mái ấm của mình. Họ tìm rất nhiều lý do để biện minh cho việc không muốn trở về nhà của mình, còn những người vợ thường lên án chồng gay gắt khi chồng chỉ tìm thú vui cho riêng mình. Có cách nào giữ chân được những ông chồng thích la cà như chồng chị ở nhà không? Câu hỏi chị luôn tự đặt ra. Và chị tìm mọi cách để níu kéo anh, nhưng dường như chỉ càng làm cho mọi thứ tệ hại hơn. Số giờ anh có mặt ở nhà càng ít hơn và cũng rất miễn cưỡng kéo anh vào những nghĩa vụ của người chồng.

Chị chỉ vỡ lẽ ra nhiều điều khi vô tình nghe được cuộc nói chuyện của chồng với bạn. Chị mới thấy rằng, dường như không hẳn là chồng, mà chính chị đang làm cho tổ ấm không còn đủ sức hấp dẫn với anh nữa. Anh bảo với bạn rằng đã lâu rồi anh không còn tìm thấy niềm vui trong gia đình. Rằng chị luôn làm cho bầu không khí gia đình căng thẳng, nặng nề. Chị lúc nào cũng thích nhà cửa phải sạch bóng, không thể chịu nổi cảnh chồng con kéo hàng lô đất cát ở ngoài đường vào nhà, nên chị liên tục chì chiết, kêu ca, phàn nàn, thậm chí đánh mắng con chỉ vì những chuyện rất nhỏ nhặt ấy. Anh có nói, thì chị cho rằng phải dạy bảo con, không thể sống bẩn thỉu được. Rồi cái gì chị cũng thích làm theo ý mình… Lúc đầu anh chán quá, chỉ muốn ra khỏi nhà một lúc cho vui, về chị lại đay nghiến như một "bà la sát". Kết quả là bây giờ anh chỉ muốn tìm cớ đi ra khỏi gia đình, để cho chị được làm mọi việc theo ý mình. Và anh cũng biết rằng mình làm thế là không tròn trách nhiệm và bổn phận, nhưng khổ rằng “thói quen tạo nên thì dễ, bỏ đi thì khó”.

Câu chuyện ấy làm chị như chết lặng. Chị đã không nghĩ rằng, những điều mình làm hằng ngày ấy tưởng rằng sẽ giúp mái ấm đơm hoa, kết trái, nhưng đã vô tình làm cho bầu không khí gia đình thêm nặng nề, không tạo nên niềm vui để lôi cuốn anh vào tổ ấm. Có lẽ rằng chị cần nói chuyện thẳng thắn với anh, chị sẽ điều chỉnh cách sống của mình. Và chị cũng hy vọng rằng anh sẽ “sửa đổi” thói quen của mình để cuộc sống cân bằng trở lại, lấp đầy khoảng trống họ đã tự tạo ra.