Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi văn hóa là kinh tế

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khái niệm “thành phố sáng tạo” được phát triển bởi GS David Yencken (Australia) vào năm 1988 và sau đó dần trở thành một phong trào toàn cầu. Về cơ bản, nó phản ánh một mô hình quy hoạch mới cho các TP hiện đại, trong đó đề cao phát triển văn hóa - xã hội hướng tới kinh tế.

Các đại biểu, du khách trải nghiệm tour du lịch khám phá Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Những nguyên liệu thô
Khởi nguyên, thành phố sáng tạo được xem như lời kêu gọi nhằm khuyến khích tinh thần cởi mở và trí tưởng tượng, tạo tác động mạnh mẽ đến văn hóa đô thị. Tính sáng tạo của đô thị được đánh giá cao là do một sự thừa nhận ngày càng phổ biến trên thế giới: Cùng với cấu trúc kinh tế, tài nguyên văn hóa của TP cũng đang thay đổi đáng kể - điều được thúc đẩy một phần bởi cuộc cách mạng công nghệ.
Mỗi đô thị đều sở hữu ít nhiều tài nguyên văn hóa riêng, bao gồm các di sản lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan đô thị hoặc địa danh. Chúng cũng bao gồm các truyền thống địa phương và bản địa về cuộc sống công cộng, lễ hội, nghi thức… Ngôn ngữ, ẩm thực, các hoạt động giải trí đều là một phần trong tài nguyên văn hóa của TP. Và một khi sự sáng tạo được chú trọng trong việc phát huy tài nguyên văn hóa, nó sẽ mang lại những lợi ích kinh tế to lớn đối với địa phương đó.
Các giá trị kinh tế của nền văn hóa - xã hội trong một thành phố sáng tạo đã được làm rõ hơn khi chuyên gia về văn hóa và đô thị người Italia, Franco Bianchini, đưa các thuật ngữ “công nghiệp văn hóa” hay “tài nguyên văn hóa” vào châu Âu kể từ năm 1990. Theo ông Bianchini, tài nguyên văn hóa chính là những “nguyên liệu thô” của một TP, mà cơ sở giá trị của nó “có thể thay thế than, thép hay vàng”. Từ đó, sáng tạo được xem là phương pháp khai thác hiệu quả các tài nguyên này, cũng như thúc đẩy chúng phát triển. Và như vậy, nơi đâu lấy phát triển văn hóa - xã hội làm nền tảng để tạo ra của cải, nơi đó đang sở hữu một nền kinh tế sáng tạo.
Dựa trên cơ sở này, năm 2004, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp quốc (UNESCO) đã hình thành Mạng lưới các thành phố sáng tạo, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các TP đã xác định sự sáng tạo là một yếu tố chiến lược để phát triển đô thị bền vững. Mạng lưới bao gồm 7 lĩnh vực sáng tạo gồm: Thủ công và nghệ thuật dân gian; Nghệ thuật truyền thông; Điện ảnh; Thiết kế; Ẩm thực; Văn học và Âm nhạc. Tính đến nay, 180 TP đã tham gia mạng lưới này khi hướng tới một mục tiêu chung: Đặt sự sáng tạo và công nghiệp văn hóa là trung tâm của kế hoạch phát triển ở cấp địa phương cũng như hợp tác tích cực cấp quốc tế. 
Mô hình thành phố sáng tạo
Là “ngôi nhà” của một khối sáng tạo khổng lồ, các TP sáng tạo đã được lý thuyết hóa dưới dạng một cấu trúc cụ thể gồm 3 tầng. Tầng cao nhất của “tòa nhà” sẽ bao gồm các công ty và DN tham gia vào các ngành công nghiệp sáng tạo. Đây là những tổ chức tạo ra sự tăng trưởng kinh tế mà người ta hy vọng tìm thấy ở một TP sáng tạo, bằng cách chuyển đổi các thành quả sáng tạo của cư dân thành những sản phẩm hay dịch vụ có thể bán được. Tầng dưới cùng bao gồm những cá nhân sáng tạo, ví dụ, nghệ sĩ, nhà văn, thợ thủ công...
Đáng lưu ý là tầng giữa - không gian có vai trò kết nối hai khu vực nói trên sẽ bao gồm các địa điểm hữu hình, chẳng hạn như sân khấu trình diễn, phòng trưng bày hoặc các tổ chức, diễn đàn sáng tạo… Tóm lại, “tầng giữa” cho phép các sản phẩm sáng tạo của “tầng ngầm” được thể hiện theo hình thức cụ thể hơn khi tiếp xúc với “tầng thượng”, phục vụ mục đích chuyển ý tưởng của con người từ cấp này sang cấp khác.
Hình dung trực quan này cho thấy, để khai thác tiềm năng tăng trưởng kinh tế mà các ngành công nghiệp sáng tạo mang lại, chính quyền TP cần thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả 3 khu vực. Điều này có thể được thực hiện thông qua các sáng kiến quy hoạch đô thị, nhằm tạo ra các môi trường có giá trị trung gian kết nối, trong khi có chính sách khuyến khích sự sáng tạo của người dân và đồng thời tạo điều kiện cho các DN khai thác sản phẩm.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phê bình, khái niệm “thành phố sáng tạo” đang có dấu hiệu bị sai lệch về ý nghĩa gốc, chủ yếu là do việc sử dụng dễ dãi thuật ngữ tại một số địa phương đối với nhiều hoạt động vốn chưa thể xem là kế hoạch TP sáng tạo. Sự sáng tạo ngụ ý trong thuật ngữ “thành phố sáng tạo” sẽ bao gồm tư duy được tích hợp bên trong tất cả các khía cạnh của quy hoạch và phát triển đô thị và đặt con người - chứ không phải cơ sở hạ tầng - làm trung tâm của các kế hoạch.